... hu28m, tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn xếp, vai mang nải hoa ...

...

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2008

Tại sao không gõ cửa




Tại sao không gõ cửa

Công việc của anh và của em hoàn toàn khác nhau. Em làm việc tám giờ một ngày, em có hai ngày nghỉ trọn vẹn là thứ bảy và chủ nhật. Nơi em làm việc là căn phòng có máy lạnh, nằm trên tầng mười của một tòa nhà cao tầng. Ô cửa kính phòng làm việc của em nhìn ra là thấy cả không gian rộng lớn của đường phố. Những con phố ấy từ trên cao giống như những vết cắt của một bức tranh lập thể, những con đường đi bên dưới tưởng là một đường thẳng, nhưng khi nhìn ở trên độ cao kia thì lại là một đường cong.

Mỗi ngày làm việc của em là những cuộc điện thoại reo, âm vang trong đó là tiếng Anh và tiếng Việt. Có khi nhớ em, anh gọi vào máy thì cũng nghe trong đó có một tràng dài tiếng Anh. Anh nói với em: “Anh chỉ giỏi tiếng Em, còn tiếng Anh thì anh là người dốt đặc nhất thế giới”. Anh nói thêm: “Em có biết tại sao anh và em phải quen nhau không? Để mai sau khi đã thành vợ chồng, anh và em cùng đi nước này nước nọ, em sẽ là trợ lý thông dịch cho anh”.

Em bấu bàn tay có mấy ngón tay để dài vào cánh tay anh khiến anh đau nhói: “Em biết mà, anh chọn em để có đi đâu đó, em làm thông dịch cho anh đỡ tốn kém thuê người”.

Anh làm công việc ở một hòn đảo cách đất liền đúng 15 phút tàu chạy. Biển mênh mông xanh hút mắt ấy là sự quyến rũ cho những ai lần đầu chạm gặp, muốn ngắm nhìn. Nhưng với anh, mỗi ngày đôi khi đi qua đi lại dăm bảy lượt, đi từ mờ sáng cho đến khi chiều đã cạn khiến cho anh mất đi cảm giác tò mò.

Anh ra biển khi biển mênh mông xanh vào mùa hạ, nhìn ngắm những vách núi ngàn năm hững hờ níu cùng mình những sợi dây leo gắng sống nhờ những giọt sương đêm. Anh ra biển trong cơn mưa tầm tã, sóng chồm lên như uốn lấy con tàu nhỏ bé để nhốt vào đại dương, khi đó đảo xác xơ và vắng vẻ với những hàng cây cong mình hứng gió và bãi biển trên đảo toàn là rác thải do sóng biển đưa vào, biển lúc đó thật là đáng ghét.

Anh có khi đêm phải ở lại đảo, hoặc có thể theo khách trong chuyến tàu đêm nào đó để ngắm nhìn biển một cách khác. Anh yêu nghề, và anh yêu những chuyến đi trên biển của mình như thể nếu một ngày không nếm được vị mặn của nước biển và không chông chênh cùng sóng, anh sẽ ngã bệnh.

Có những chủ nhật, em nhớ anh. Em lại đón tàu ra đảo cùng anh. Hai đứa có một chủ nhật tưng bừng trong mênh mông biển như thế. Anh cùng em chung một chiếc dù kéo lơ lửng trên bầu trời. Em sợ hãi, bấu chặt lấy anh và đôi mắt thì nhắm riết lại như thể khi em nhắm mắt thì mọi sợ hãi quanh em sẽ biến mất.

Anh đã nghịch ngợm hôn em khi hai đứa mình đang lơ lửng trên không gian như thế. Anh gọi đó là nụ hôn lịch sự, bởi có bao nhiêu nụ hôn tình yêu trao gởi lại ở lưng chừng đâu em nhỉ.

Chỉ lần duy nhất đó thôi, còn những lần sau thì em nhất định không ra đảo. Em nói: “Con tàu thì bé tí, còn biển thì ồn quá anh ơi. Em không thích tí nào”.

Anh là người hay trễ hẹn. Em là người ghét nhất sự trễ hẹn. Anh nói vui với em rằng nếu hai người cùng một sở thích như khi mua con gà về, dành nhau chiếc đùi gà thì dễ gây gổ. Còn em thì chỉ thích ăn da gà, anh thích ăn thịt gà, cho nên em và anh chẳng phải nhường nhau. Anh ví dụ như thế để nói với em rằng anh cũng muốn giống như những chàng trai khác, sẵn sàng đến chỗ hẹn trước cả giờ đồng hồ để đợi người mình yêu thương.

Em nói: “Em chẳng cần mẫu người đó, em chỉ cần anh có trễ thì trễ năm mười phút là được rồi. Em là con gái, em ngồi một mình bao nhiêu cặp mắt nhìn vào giống như em đang bị thất tình, làm sao em chịu được”. “Ừ, anh mỗi ngày sẽ ngoan hơn”. Em đưa ngón tay bé tí của em ra móc ngón tay anh: “Em phải tập tin anh”.

Tình yêu, nó không là bản sao của đôi lứa này với đôi lứa khác. Nó làm cho ngày mau cạn, cho niềm vui nhân lên gấp bội trong những lần gặp nhau. Tình yêu, đâu có gì ghê gớm ở những mắt nhìn, ở bàn chân bước chạm khuya khi hò hẹn, hay cả những cuộc điện thoại chỉ để nghe tiếng nói của nhau.

Em viết trên một mảnh giấy nhỏ: “Em giận lắm”. Em gởi cho cô gái ngồi quầy ở quán cà phê đưa cho anh khi anh tới muộn. Anh trễ một giờ đồng hồ cho cuộc hẹn quan trọng của chúng ta. Chiếc máy điện thoại của anh rơi xuống nước biển, không thể gọi được. Anh lại không nhớ số điện thoại của em.

“Yêu nhau phải nhớ số điện thoại của nhau, anh có biết không?”. Em đã nói với anh như vậy. Anh trả lời: “Anh biết”. Mỗi giờ đồng hồ chờ đợi, gọi điện chỉ có những âm thanh vô nghĩa, em không giận mới là chuyện lạ.

“Anh đâu có mắt ngó nghiêng, mắt ngó ngửa. Anh đâu có chở ai sau lưng xe. Anh chẳng đi ăn sáng, ăn tối với ai hết, anh cũng chẳng nhắn tin hò hẹn với bất cứ cô nào”. Anh nói thế.

“Đàn ông dẻo miệng là đàn ông chuyên lừa dối đàn bà. Có bà kia tin chồng tuyệt đối, đến khi chồng chết thì có một cô gái khác dắt một đứa bé tới nhà xin được để tang” - em nói. “Em nói linh tinh chuyện gì thế?” - anh gắt.

Trong cuộc sống có những ngày rất ngắn, đó là những ngày ta hạnh phúc và trong lòng tràn ngập những niềm vui. Nhưng những ngày xa nhau trong cơn giận dỗi thì quá tải. Chiếc kim đồng hồ vẫn đều đặn chạy đủ vòng tròn của mình mà sao nó lâu đến thế.

Cánh cửa phòng em đóng. Em dán lên trên cửa mảnh giấy vàng, kể tội anh. Những cái tội làm cho em giận dỗi: Một là luôn trễ hẹn, hai là không biết xin lỗi, ba là không gọi điện thoại, bốn là gia trưởng, năm là hút thuốc lá nhiều quá, sáu là không biết dỗ khi người yêu giận dỗi... Chữ viết của em tròn, mỗi chữ viết ra giống như em trút giận vào anh.

Anh nhớ em quá, anh đã xin nghỉ phép bảy ngày để... đi xin lỗi em. Nhưng em đâu có ở nhà đâu để anh xin lỗi em. Anh nhớ em quá. Anh không hiểu tại sao khi giận, mấy cô con gái lại đi làm lại tóc. Hôm qua bạn em, nhỏ Thúy gọi điện cho anh: “Ông làm gì mà con Dung tự dưng cắt tóc ngắn, lại uốn từng lọn từng lọn? Ông đèo bồng con khác khiến cho nó ghen phải không? Ông mà làm cho nó đau khổ thì tụi tôi đem ông ra mà xử bắn đó”.

Bạn bè thân bảo vệ nhau đến thế là cùng. Anh phải thanh minh: “Không có đâu em ơi, anh thề trung thành với Dung tuyệt đối. Nhưng nhà đóng cửa, điện thoại lại tắt, anh muốn xin lỗi mà không được”. Thúy cười giòn trong máy: “Yêu cỡ ông mà khờ khờ, thằng khác nó tán bồ mình mất, lúc đó mặc sức mà khóc”.

Anh gọi điện qua chỗ em làm. Bên kia đầu máy là tiếng của em với một tràng tiếng Anh như thường lệ. Anh chỉ vội nói: “Anh nhớ em” là em im lặng, im lặng một lúc lâu rồi em gác máy. Anh nghe như trong máy có mấy giọt nước mắt của em. Anh rất sợ những giọt nước mắt.

Đêm chậm xuống thành phố. Thành phố đông người đến thế mà sao anh cảm thấy như mình chỉ có một mình. Đám đông luôn chỉ là đám đông. Anh không chú ý đến đường phố có bao nhiêu người, anh chỉ mong cơn giận của em qua mau, chắc chắn anh sẽ không bao giờ dám trễ hẹn cùng em.

Căn phòng em ở đã hiện ra trước mắt anh tự bao giờ. Đôi khi ta tưởng rằng vô tình, nhưng thật ra là một quán tính để tới nơi ta cần tới. Anh đã đi theo quán tính tới nhà em lúc nào không hay. Đóa hoa hồng trên tay anh - tại sao người ta hay dỗ dành phụ nữ bằng hoa hồng em nhỉ?

Anh mở cánh cửa khép hờ, bước vào. Em như biết được tiếng xe anh dừng trước nhà. Em như đang chờ đợi anh nói. Em đang ngồi trong nhà đối diện với chiếc gương. Anh nhìn em bằng chiếc gương soi. Anh thấy trong đôi mắt em như có một giọt nước mắt.

Anh để đóa hoa hồng lên bàn. Anh choàng tay lên bờ vai mềm ấy. Anh chợt nhớ câu chuyện trong một phim truyện, nhân vật trong phim bảo rằng khi chạy xe với tốc độ 80 cây số một giờ, đưa bàn tay ra cửa thì gió chạm vào có cảm giác như đang chạm vào da thịt người phụ nữ. Ôm em, anh lại có cảm giác như đang đi trên một chiếc xe chạy 80km/giờ.

Em chồng bàn tay nhỏ của em lên tay anh, thầm thì: “Tại sao vào nhà em mà anh không gõ cửa?”. Anh ôm em chặt hơn: “Sao cắt tóc mà không hỏi ý anh?”.

Khuê Việt Trường.
Link: http://www.thegioiphunu-pnvn.com.vn/Tin.aspx?varbaoid=661&vartinid=3337&varnh...

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2008

Huế, tình yêu của tôi ...

Huế, tình yêu của tôi

Thơ: Đỗ Thị Thanh Bình
Nhạc: Trương Tuyết Mai

Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt
Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được: nét dịu dàng pha lẫn trầm tư,
Tình yêu như chiếc nón bài thơ từ giọng nói âm thầm sâu lắng

Ơi Huế của ta!
Ta có Huế tự hào: vượt qua phong ba Huế đi lên kiên cường
Cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng, xẻ chia đắng cay gian khổ mặn nồng

Ơi Huế của ta,
Ta có Huế tự hào: còn vang chiến công
Huế khúc hát anh hùng
Nặng lòng với Huế xin viết tặng bài ca gửi trọn tình ta về Huế yêu thương

Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ
Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt
Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được nét dịu dàng pha lẫn trầm tư
Tình yêu từ chiếc nón bài thơ từ giọng nói âm thầm sâu lắng lạ

Ơi Huế của ta !
Ta có Huế tự hào còn vang mãi chiến công Huế khúc hát anh hùng
Cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng xẻ chia đắng cay gian khó mặn nồng
Nặng lòng với Huế xin viết tặng bài ca gửi trọn tình ta về Huế thương yêu
Nặng lòng với Huế xin hát tặng bài ca gửi trọn tình ta về Huế thương yêu ...


*****************

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai kể lại: Sau ngày giải phóng đất nước, tháng 5-1975, chị đã có dịp đi công tác ở Huế nửa tháng. Cảnh vật và con người cố đô như thôi thúc chị sáng tác về nơi đây, nhưng không hiểu sao đặt bút vẫn không viết được. Mãi mười năm năm sau, năm 1985, khi nghe tin Huế bị thiên tai bão lụt nặng nề, tình cảm với Huế từ lâu vẫn âm ỉ trong lòng chị nay lại có dịp bùng lên rạo rực. Chị cảm thấy cần phải viết về Huế như để chia sử một phần đau thương, bất hạnh của vùng đất miền Trung này. Tình cờ đọc bài thơ của Đỗ Thị Thanh Bình về Huế, chị rất tâm đắc và tìm thấy trong đó những câu, đoạn thích hợp làm ca từ cho bài hát mới của mình. Thế là ca khúc Huế, tình yêu của tôi hình thành từ đó.

Đầu năm 1986, Huế, tình yêu của tôi được giới thiệu lần đầu tiên trên màn ảnh nhỏ thành phố Hồ Chí Minh và sau đó trên các sân khấu hội diễn ở nhiều nơi. Bài hát được nhiều người ưa thích bởi âm hưởng đậm đà xứ Huế và tính chất trữ tình thắm thiết toát từ mỗi nét nhạc, mỗi câu nhạc. Cho đến nay, mỗi khi nói đến nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, người ta lại nhớ đến ca khúc Huế, tình yêu của tôi. Có thể nói đây là sáng tác thành công nhất của chị.

Nhạc sỹ Trương Quang Lục

Chủ Nhật, 9 tháng 3, 2008

Cô đơn ơi - Tên mi có nghĩa là NGHỊ LỰC

Nếu có một thời điểm nào đó trong cuộc sống, mà chúng ta cần phải và nên bị dúi xuống bùn lầy tăm tối, tốt nhất hãy chọn lúc 18-25 tuổi, lúc mà bạn có cả sức khoẻ lẫn sự dẻo dai; cả hưng phấn lấn thất vọng; cả niềm tin sắt đá lẫn sự ngoan cố mù quáng; cả sự hiểu biết bằng bản năng và trực giác chưa bị pha tạp lẫn sự tăm tối vì mơ hồ nhận thấy những lực cản của xã hội. Nghĩa là có tất cả mà lại chẳng có gì vững chắc. Lúc ấy là lúc có cả một tiềm năng - cái năng lực tiềm ẩn trong từng cử động, từng quyết định nhỏ, cái khả năng có thể nhảy rất dài, vượt rất xa, thay đổi cả thế giới; hoặc là cái nguy cơ trượt xa khôn cùng xuống vực sâu của tăm tối, kiệt quệ, u uất và rệu rã.

Tuổi trẻ - tự bản thân nó đã là một tài sản, tự bản thân nó đã hàm chứa ánh sáng và hạnh phúc, khi bị giúi xuống bùn, cơ hội để nó vẫn toả sáng và thăng hoa sẽ lớn hơn so với khi bạn già đi. Lúc đó là lúc phép thử còn màu nhiệm, con tốt đỏ trong tay có thể còn phong Hậu; bạn có thời gian làm hậu thuẫn và chân trời vẫn còn gợi nhiều thôi thúc. Còn khi bạn đã lớn tuổi hơn, những xây xước đằng trước sẽ làm cho bạn ngần ngại, nếu bạn bị giúi xuống bùn thì rất có thể bạn sẽ tặc lưỡi nằm đó một mình, hoặc sẽ cố gắng vùng vẫy sao cho người khác cũng vấy bẩn lem luốc giống với bạn.

Tuổi trẻ có một thứ vốn ngầm rất đáng quý mà không phải ai cũng biết: sự cô đơn. Trái tim là một giống loài dễ hư hỏng. Nếu nó được no đủ, nó sẽ đổ đốn ngay lập tức. Hạnh phúc làm cho con người ta mềm yếu, người ta vui tươi với mọi thứ, người ta quên mất việc phải làm, người ta còn bắt đầu tặc lưỡi nhiều hơn với những thói quen xấu. Tình yêu là một giống dây leo khó chiều. Nó cần được thử thách và bị tấn công. Nếu bạn mớm cơm cho nó hàng ngày, chăm sóc nó quá no đủ, nó sẽ chết yểu.

Cô đơn ơi, tên của mi hàm chứa nghị lực. Nhưng sự cô đơn này không đơn thuần là “một mình” theo nghĩa đen của đúng từ này. Cô đơn là một trang thái tổng hoà rất đặc trưng của tuổi trẻ. Cô đơn vì thấy mình quá bé nhỏ, và ngộp thở trước sự rộng lớn của vũ trụ, của hằng hà tinh tú trên đầu mỗi đêm hè ta ngẩng lên. Cô đơn vì thấy mình bất lực trước một sinh vật ngang bằng mình, tồn tại cạnh mình, cần cho mình mà mình không sao sở hữu nổi nó. Cô đơn vì thấy có quá nhiều tiếng gọi mà không biết sẽ đi đâu. Cô đơn vị sự giằng xé giữa những ước mơ thời bé và những thực tế vừa mới đến. Cô đơn vì vừa buồn bã, vừa kiêu hãnh và khoái trá đi lại tung tăng, ngạo ngược trong thế giới riêng của mình, chỉ thỉnh thoảng hào phóng mời vào một hai vị khách, rồi lại mời họ ra ngoài để ta đóng cửa lại.

“Hạnh phúc làm con người mềm yếu và quên mất việc phải làm”. Rất nhiều người đã nói thế. Rất nhiều người đã được dạy cần cảnh giác với hạnh phúc. Nhưng “việc phải làm” ấy là để làm gì, nếu không phải để mang lại hạnh phúc? Và mục đích cuối cùng của mọi việc là gì nếu không phải hạnh phúc?

Vì thế có lẽ chăng nên nuôi dưỡng trái tim như nuôi con mèo dùng vào việc bắt chuột: để mặc nó đói, nó sẽ phải tìm đường săn mồi. Con mèo đói đến lúc săn được mồi đã quá hao sức vào việc săn, đã quá đói, nên nuốt vội con chuột mà quên mất hưởng thụ thành quả. Và con chuột (hạnh phúc) chui tuột vào dạ dày mà chẳng để lại dư vị gì. Trái tim là một con mèo, đừng thử thách hay tấn công nó nhiều quá. Nó sẽ tự tìm được một khoảnh sân để duỗi dài sưởi nắng. Trong cái sân nắng ây, có lẽ cô đơn không phải là người bạn tốt.

Cô đơn - tên của nó hàm chứa sợ hãi. Bởi dù theo nghĩa nào đi chăng nữa, cô đơn có nghĩa là khoanh riêng mọt vùng đất cho mình, đặt tên cho nó là “tôi”, rồi xây lên một thành trì bao bọc. Mà đã xây thành, có nghĩa là đứng trước nỗi sợ xâm lăng.

Cô đơn - tên của nó hàm chứa khổ đau. Bởi để giữ thành, thì phải chiến đấu. Nếu không giữ được đó là khổ đau. Nếu giữ được, thì một mình trong cái chiến thắng hoang tàn đó, chiến thắng trở nên 3 lần vô nghĩa.

Cô đơn - tên của nó hàm chứa mất mát. Khi đã xây nên một thành trì khoanh thế giới của mình lại, có nghĩa là đã đánh mất thế giới bên ngoài kia.

Mặc dù vậy, cô đơn dường như là một trạng thái mặc định cho mọi người. Tuy nhiên, cũng như một đứa trẻ chỉ lớn nếu cai sữa để ăn cơm, một người trẻ phải chối bỏ và thoát khỏi sự cô đơn để lớn lên.

Nhưng trước khi chối bỏ, người đó phải ý thức được nó. Ngày xưa có một câu chuyện về người cha trong ngày sinh nhật của đứa con 3 tuổi. Đứa con khư khư giữ những quà tặng, không cho các bạn chơi cùng. Người cha quyết định dạy con mình biết chia sẻ bằng cách giật đồ chơi khỏi tay đứa con cho những đứa khác. Có một điều mà người cha đó quên: trước khi học cách chia sẻ, đứa bé phải học cách sở hữu. Người ta không thể cho đi cái gì người ta không có. Cũng vậy, người ta không thể thoát khỏi bức tường mà người ta không nhìn thấy.

Thời gian để tự ý thức đó có thể là rất lâu. Để kiêu hãnh về thế-giới-riêng-tư không thể lặp lại của mình. Để thù địch với tất cả những gì không phải là nó. Để chiến đấu bảo vệ nó. Để thấy nó là chật hẹp và quyết tâm thoát khỏi.

Thoát khỏi không có nghĩa là đánh mất, không có nghĩa là để cho thế giới của mình bị xâm lăng bởi thế giới ngoại lai. Thoát khỏi có nghĩa là cho đi, là đem cái thế giới riêng tư ấy chia sẻ và hợp nhất với những thế giới khác thành một thế giới rộng lớn hơn. Thoát khỏi, có nghĩa là học cách sống với các sinh vật ngang bằng mình, tồn tại với mình, cần cho mình mà không đòi hỏi phải sở hữu. Những giấc mơ, khi đó, không mất đi. Chúng chỉ ít viển vông hơn. Khi đó người ta không còn mơ tung cánh giang hồ.

Cô đơn có thể do khách quan hoặc chủ quan, nếu do khách quan thì đó quả thật là sự sợ hãi, khổ đau và mất mát. Nếu như cô đơn do tự ta tìm đến, nó sẽ không còn là sự sợ hãi khổ đau hay mất mát nữa. Nó sẽ là nơi mà thực sự cảm thấy an toàn, một nơi yên tĩnh vô cùng, nơi mà ta có thể bình tâm đánh giá mọi việc trên thế gian này, nơi mà ta có thể nhận thức được cái hay, cái dở, và cũng có thể là nơi để tâm hồn ta chìm vào quên lãng. Và chính những thời điểm như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy lớn hơn rất nhiều, sẽ thay đổi cách nhìn của chúng ta về thế giới xung quanh, và sẽ trở nên hoàn thiện hơn rất nhiều.


Link: http://cafe.timnhanh.com/blog-Nzk2Njg1/comment/NjY2Mjk=