Tiến sĩ Howard Gardner của đại học Harvard đã nghiên cứu về đề tài "sự thông minh" trong nhiều năm, và đưa ra lý thuyết được nhiều người chấp nhận: Có ít nhất là 7 kiểu thông minh. Đó là
1. Thông minh về lời nói, ngôn ngữ2. Thông minh về logic, toán học
3. Thông minh về thị giác, không gian
4. Thông minh về âm nhạc
5. Thông minh về cơ thể, cử chỉ, động học
6. Thông minh về xã hội, giao tiếp giữa con người
7. Thông minh về nội tâm.
Hãy xem những kiểu thông minh nào hoạt động mạnh nhất trong chính bạn.
Thông minh về ngôn ngữ học là khả năng suy nghĩ bằng từ ngữ và sử dụng ngôn ngữ để diễn tả những khái niệm phức tạp. Sự thông minh này cho phép bạn hiểu được trật tự, ý nghĩa của từ, học ngữ pháp rất nhanh và áp dụng các kỹ năng ngôn ngữ thành thạo. Nó là kiểu thông minh có ở nhiều người nhất, và thể hiện rõ ràng ở các nhà văn, nhà thơ, phóng viên, biên tập viên hay các diễn giả. Để phát triển sự thông minh này, bạn nên viết nhiều, đọc nhiều, kể chuyện hoặc chơi ô chữ.
Sự thông minh về logic là khả năng tính toán, xác định số lượng, cân nhắc các giả thiết và thực hiện những hoạt động toán học hoàn hảo. Nó cho phép bạn hiểu những khái niệm trừu tượng, có kỹ năng tranh luận, suy nghĩ theo lối quy nạp và suy diễn. Nó thể hiện rõ ở các nhà toán học, khoa học và thám tử. Với trí thông minh toán học hoạt động mạnh, bạn phù hợp trở thành luật sư, lập trình viên... Những người trẻ có thể phát triển sự thông minh này bằng cách học số học, chơi những trò chơi chiến thuật và làm thí nghiệm.
Sự thông minh không gian là khả năng nghĩ "ba chiều", bao gồm trí tưởng tượng, suy luận trong không gian, vận dụng hình ảnh, các kỹ năng đồ họa và nghệt thuật. Nó giúp bạn nhạy cảm với chất liệu, màu sắc, hình khối..., có thể trở thành nghệ sỹ, nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, nhà điêu khắc, kiến trúc sư... Những người trẻ có thể phát triển trí thông minh này bằng cách chơi xếp hình, chơi mê cung, vẽ hoặc đơn giản là tưởng tượng.
Trí thông minh âm nhạc là khả năng cảm nhận độ cao thấp, nhịp điệu, âm sắc, nói chung là các kiểu âm thanh. Nó cho phép bạn nhận biết, tạo ra, mô phỏng... âm nhạc. Nếu bạn có trí thông minh âm nhạc hoạt động mạnh thì không nhất thiết phải chơi hay đoạn nhạc, nhưng chắc chắn bạn là một người nghe nhạc nhạy cảm, có thể nhận biết những ý nghĩa sâu sắc dù chỉ nghe giai điệu. Để "bồi bổ" cho trí thông minh âm nhạc, bạn chỉ cần hay nghe nhạc, nhịp chân theo, hát theo, học chơi nhạc cụ nữa thì càng tốt.
Trí thông minh cơ thể là khả năng vận động và dùng rất nhiều kỹ năng đa dạng của cơ thể. Nó cũng bao gồm cả cảm giác về tính toán thời gian và sự kết hợp giữa tâm trí và cơ thể. Nó giúp bạn điều khiển hoàn hảo những cử động của mình. Kiểu thông minh này tồn tại rất mạnh trong những người hoạt động thể thao, khiêu vũ hoặc làm diễn viên. Nó còn giúp bạn hợp với ngành y (nhất là bác sỹ phẫu thuật) hoặc làm nghề thủ công.
Trí thông minh xã hội là khả năng hiểu và tương tác hiệu quả với người khác. Nó bao gồm việc giao tiếp hiệu quả bằng lời và không bằng lời, khả năng nhận biết sự độc đáo của mỗi người, nhạy cảm với tâm trạng của người khác... Nó giúp bạn thông cảm, an ủi, tạo cảm hứng và lãnh đạo mọi người, nên nó được coi là một điểm đặc trưng của những chính khách. Nó còn giúp bạn phù hợp với làm giáo viên, nhà trị liệu, nhân viên kinh doanh, diễn viên, nhà xã hội học... Để rèn luyện kiểu thông minh này, bạn nên xem phim, giao tiếp rộng, cố gắng tìm những điểm đặc biệt ở mỗi người.
Trí thông minh nội tâm là khả năng hiểu được bản thân một cách sâu sắc, và cũng như những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình, và sử dụng những hiểu biết đó trong việc lập kế hoạch và định hướng cuộc sống. Nó giúp bạn phân tích và làm chủ được những phẩm chất, hành vi của mình, cũng như của con người nói chung. Nếu trí thông minh nội tâm của bạn hoạt động mạnh, bạn phù hợp làm nhà tâm lý học, triết gia hoặc nhà văn...
Đó là 7 kiểu trí thông minh cơ bản, với những phẩm chất và khả năng cơ bản. Mỗi kiểu là một cách sử dụng não bộ khác nhau. Mỗi kiểu đều có thể được phát triển và bồi đắp chứ không phải là một điều bẩm sinh và không bao giờ chỉnh sửa được. Chính khái niệm rộng rãi về trí thông minh này đã giải thích tại sao có rất nhiều người hồi đi học thì tệ, nhưng sau đó lại rất thành công trong cuộc sống. Bạn hãy nghĩ thật kỹ xem mình có những điểm mạnh nào - tức là kiểu trí thông minh nào đang "trình diễn" mạnh nhất trong con người bạn, để có thể tự quyết định được mình phù hợp với nghành nghề nào cần học thêm gì để cải thiện những kiểu thông mình mà bạn đang còn yếu...? Bạn sẽ có một cơ hội tốt nhất để thành công khi ngành nghề mà bạn chọn phát huy được tối đa kiểu thông minh mà bạn đang sở hữu nhiều nhất. Vậy tại sao bạn không kết hợp: Sự nghiệp = đam mê + trí thông minh mình đang có?
Minh Dung (dịch)
Bài viết được gõ lại từ báo Sinh Viên số 67 tháng 5 năm 2006
(copied from http://my.opera.com/phamlam/blog/2006/05/21/51)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét