(VietNamNet) - Không có ranh giới thực sự giữa Toán lý thuyết và Toán ứng dụng. Bởi vì, cái hôm nay ta tưởng rất lý thuyết thì ngày mai lại có thể rất ứng dụng. Những nước mà kinh tế phát triển nhất, ứng dụng Toán giỏi nhất cũng chính là những nước mà Toán lý thuyết phát triển nhất.
Xem bài: Toán học vị Toán học hay Toán học vị nhân sinh?
|
GS Hà Huy Khoái: "Khoa học cơ bản tạo cho xã hội nền tảng chung cao, nhưng rất khó nhìn thấy lợi ích của nó" |
Đó là những nhận định của ông Hà Huy Khoái, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, đầu tháng 3.
Lý thuyết cũng là để quay về phục vụ thực tiễn
"Toán học nghiên cứu những vấn đề cao siêu, xa rời thực tế, và rất ít người hiểu được". Ông nghĩ gì về nhận xét này?
Các giải Nobel Kinh tế gần đây, hầu như trong đó chỉ có Toán.
Nhiều người ngạc nhiên khi có những vấn đề Toán học, lúc sinh ra rất trừu tượng, mà lại được sử dụng rất bất ngờ.
Nói cho cùng, Toán học là 1 sản phẩm của thực tiễn. Nên dù anh Toán học ngồi đấy vẽ voi với phát triển nội tại đi nữa... nếu ở mức độ cao, thì sẽ không tách rời thực tiễn. Làm Toán cao thì phải đẹp, mà cái đẹp thì bao giờ cũng phải đi với thực tiễn.
Có khi nào, tồn tại những cái đẹp mà chưa thực tế?
Không, cái đẹp thì không bao giờ vô dụng (cười). Tôi cho rằng, một thứ khoa học mà chưa đi vào được bản chất của sự vật thì chỉ vì nó chưa đủ cao.
Ông Newton có một câu nói rất nổi tiếng "Không có gì gần với thực tiễn hơn là 1 lý thuyết đẹp". Có nghĩa là một lý thuyết cao và sâu sắc đến mức đẹp thì chắc chắn sẽ gần với thực tiễn.
Tôi nghĩ đó hoàn toàn không phải là 1 câu nói suông, mà rất đúng trong thực tế phát triển của khoa học. Những lý thuyết rất cao, rất sâu rồi cuối cùng đều quay về phục vụ cuộc sống.
Ông René Thom, một nhà Toán học Pháp từng đạt giải thưởng Fields, có nói "Những người đi đầu thường không biết là họ đang đi đâu. Lúc mà họ biết... thì không đi được xa".
Toán lý thuyết, chắn chắn sẽ quay về thực tiễn, trừ phi đó là những lý thuyết vớ vẩn.
Lấy gì để xác định được 1 lý thuyết đẹp và 1 lý thuyết vớ vẩn, khi những vấn đề đó vượt quá tầm hiểu biết của đa số dân chúng?
Tiêu chuẩn đầu tiên là nó quay về thực tiễn, chẳng hạn quay về phục vụ Vật lý, Tin học...
Thứ hai, những người làm Toán giỏi thì bao giờ cũng đi không xa luồng chính của sự phát triển.
Tất nhiên để nhận diện cũng khó, nhưng chắc chắn nhận diện được, cũng giống như làm thơ. Một nhà thơ lớn nào đó nói "Tôi không định nghĩa được thế nào là thơ hay, nhưng cứ đưa tôi 1 bài thơ, thế nào tôi cũng nhận ra được".
Có một số tiêu chuẩn để định lượng. Ví dụ, một cô gái đẹp, chắc sẽ được ngắm nhiều. Một công trình hay sẽ được trích dẫn nhiều. Một ca sĩ lớn, sẽ biểu diễn ở những chương trình hoành tráng. Một bài báo tốt sẽ dễ được đăng ở những tạp chí uy tín.
Bàn về sự hữu ích của Toán, có người lấy ví dụ "Các công trình Toán lý thuyết chỉ có 1 số rất ít người hiểu được. Trong khi, nhiều lý thuyết lớn trong các ngành khác, như thuyết tương đối của Einstein, một người không phải dân chuyên ngành (như anh ấy) cũng hiểu được. Sở dĩ như vậy, vì Toán lý thuyết ít tính vị nhân sinh, xa rời thực tế cuộc sống". Ông nghĩ sao về nhận định ấy?
Tôi cho rằng, nhận định này không chính xác.
Không phải vì đa số không hiểu mà suy ra Toán không có tác dụng thực tiễn. Mà, bởi vì trong khoa học cơ bản, những tư tưởng lớn bao giờ cũng phải đi trước.
Thời của Newton và Einstein, thậm chí Archimedes... , các công trình của họ là lý thuyết cao nhất, cũng có mấy ai hiểu họ đâu, nhưng, so với sự phát triển khoa học hiện tại thì bình thường.
Vấn đề là vì các đỉnh của thời đại ngày càng cao hơn. Bây giờ mặt bằng chung cao, ta nhìn thấy được cái đỉnh của thời Newton, Einstein. Còn đỉnh bây giờ cao đến mức, chỉ người ở trên đỉnh mới nhìn thấy. Nhưng 1 thời gian sau này, nhiều người sẽ hiểu, như bây giờ ta nhìn lại Newton vậy.
Ví dụ Edward Witten, nhà Vật lý lớn nhất của thời này, chắc chắn rất ít người biết, dù đó là đỉnh cao bây giờ.
Không nên phân biệt Toán lý thuyết và Toán ứng dụng
|
Các nhà Toán học thế giới gặp gỡ tại một hội nghị Toán quốc tế |
Có ý kiến cho rằng, để đánh giá về vai trò của Toán học, nên phân định rõ ràng Toán ứng dụng, phục vụ cho các ngành khác và Toán lý thuyết, chỉ phục vụ cho sự phát triển nội tại của Toán. Ông có đồng tình với cách phân chia này?
Thực ra thì không nên chia chút nào, vì trong Toán rất khó phân biệt đâu là ứng dụng, đâu là lý thuyết. Đó là điều khó nhất. Bởi vì có thứ bây giờ ta tưởng là rất lý thuyết, thì ít lâu sau lại trở thành rất thực tiễn.
Ví dụ điển hình, trong bài trả lời phỏng vấn VietNamNet, anh Trung Hà nói anh ấy không phải người ngoại đạo, rằng ngày xưa anh học Lý thuyết số, là môn Toán cổ điển nhất, không có ứng dụng gì cả.
Phát biểu đó chứng tỏ anh ấy đã là "người ngoại đạo". Vì Toán phát triển quá nhanh.
Thời anh Hà học thì Số học đúng là cái mà người ta tưởng là lý thuyết thuần tuý nhất, không có ý nghĩa gì trong thực tiễn cả. Nhưng, hiện tại đó lại là một trong những ngành đi vào thực tiễn nhanh nhất.
Điển hình là lý thuyết "mật mã khoá công khai", xuất phát hoàn toàn từ một bài toán lý thuyết... mà đến giờ người ta không thể hình dung hết được về ứng dụng của nó.
Một cách đơn giản, ông có thể nói qua để độc giả dễ hình dung về lý thuyết này và các phạm vi ứng dụng của nó?
Mật mã khoá công khai (tên tiếng Anh là Public key) hiểu nôm na là mật mã, nhưng công khai khoá.
Sở dĩ có tên này vì trong thời cổ điển, mật mã chỉ dùng trong những nhóm rất hẹp, ví dụ trong ngoại giao...
Bắt đầu từ một bài toán của Số học, cho đến trước năm 1980, người ta nghĩ rằng nó không hề có ứng dụng gì trong thực tế.
Nhưng từ đầu thập niên 80, bắt đầu xuất hiện ứng dụng hết sức lớn của lý thuyết Số học trong mật mã. Càng hội nhập thì phần ứng dụng đó càng lớn, trong thương mại điện tử, chính phủ điện tử, thanh toán nhà băng đều dùng mật mã khoá công khai.
Hơn nữa, bây giờ trong bảo mật thông tin, người ta không chỉ sử dụng Số học, mà còn dùng những ngành mới nhất của Toán như Hình học đại số, một ngành hết sức lý thuyết.
Đó là những ví dụ theo tôi là hết sức điển hình về việc không có ranh giới thực sự giữa Toán lý thuyết và Toán ứng dụng.
Khi dùng 2 từ này, tức là ông vẫn thừa nhận tồn tại 2 dạng Toán mà người ta gọi bằng 2 cái tên đó?
Cách hiểu đó thậm chí không phải chỉ của những người không làm Toán mà ngay cả những người làm Toán.
Đối với Viện Toán, từ lúc thành lập đến giờ luôn có cân nhắc giữa chuyện ứng dụng và lý thuyết. Và, trong các hội thảo, tôi đã phải vài lần đứng lên thuyết phục mọi người rằng không có gì phân biệt.
Nhưng, chính điều đó đã chứng tỏ rằng có sự phân biệt. Vì nếu không có, thì tôi đã không phải thuyết phục (cười).
Đóng góp lớn nhất của Toán Việt Nam là làm thế giới biết đến
Thưa ông, cơ cấu nhân sự của Viện Toán hiện tại, nếu chiếu theo cách hiểu thông thường, có bao nhiêu người làm ứng dụng và bao nhiêu người làm lý thuyết?
Hiện tại, Viện có 103 người, trong đó có 86 cán bộ nghiên cứu, ngoài ra là các cán bộ hành chính, thư viện...
Thực chất thì tất cả đều làm ứng dụng và tất cả đều làm lý thuyết. Còn, nếu phân loại một cách cơ học, thì tôi nghĩ trong Viện Toán sẽ có khoảng 1/3 sẽ được xếp vào dạng Toán ứng dụng.
Đội ngũ dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ bao nhiêu, thưa ông?
Vài năm gần đây, con số này có tăng lên. Một phần nhờ nguồn bổ sung từ các đại học, chẳng hạn khoa Cử nhân tài năng Toán của ĐHQG Hà Nội.
Tuy nhiên, con số này vẫn ít một cách tương đối.
Ông có con số thống kê những người đang làm Toán ở nước ta hiện tại?
Cả nước, trường nào cũng có khoa Toán. Hiện tại, hội Toán học có khoảng 600-700 hội viên.
Hội Toán học không phải một hội hành chính sự nghiệp như Hội Nhà văn, mà là một hội nghề nghiệp, một tổ chức xã hội, ai làm Toán hay giảng dạy Toán, và có nguyện vọng tham gia đều được chào đón.
Hội thường chỉ tổ chức những hoạt động chung, như Hội nghị Toán học 4 năm 1 lần, thi thoảng tổ chức những trường hè, hội thảo.
Với lực lượng này, trong 30 năm qua, theo ông Toán học đã có những đóng góp gì cho Việt Nam?
Đóng góp lớn nhất là làm cho thế giới biết rằng Việt Nam cũng có Toán học. Trước đây, gần như thế giới không hề có khái niệm gì về nền Toán học của ta.
Điều này quan trọng, bởi vì cũng không phải nhiều ngành khoa học cơ bản của nước ta được thế giới đánh giá là tương đối tốt.
Theo tôi ngành Toán là một trong số ít ngành khoa học của VN mà có thể nói là gần với trình độ phát triển của quốc tế. Tôi nghĩ chỉ có Toán học, Vật lý và 1 số ngành nào đó... được vậy.
Dựa vào đâu ông nói như vậy?
Một số tên tuổi Toán học thế giới mà tôi biết, đánh giá tốt về vị trí của nền Toán học Việt Nam, như GS Laurent Schwartz, từng đoạt giải thưởng Fields hay GS Philip Griffith, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp ở Princeton, Mỹ.
Nhận định này có chút mâu thuẫn với ý kiến của anh Nguyễn Tiến Dũng trong bài viết “Toán học Việt Nam”?
Tôi và anh Dũng cũng thường trao đổi và khi viết bài đó, anh có gửi bản thảo cho tôi.
Phải khẳng định đăng bài viết của anh Dũng là có ích, vì có dịp nhìn bao quát về nhiều vấn đề xung quanh Toán học và khoa học VN... Chỉ có điều, có lẽ anh thiết tha đẩy Toán học VN lên, nên có nhiều nhận định dễ gây tâm trạng bi quan.
Thứ nhất, anh ấy đánh giá qua số lượng các bài báo được đăng ở các tạp chí quốc tế và cho rằng, cả nền Toán học Việt Nam không bằng phân hiệu ở trường của anh ấy. Khi nhìn nhận, tiêu chí "tạp chí lớn" không phải lúc nào cũng thống nhất.
Thứ hai, anh Dũng tự tách bạch hơi sớm. Có nhiều người Việt Nam làm Toán ở nước ngoài vẫn đang thuộc biên chế của Viện Toán, một số người khác "đi đi về về" và vẫn có hoạt động khoa học cộng tác với Việt Nam. Khi đánh giá về Toán học Việt Nam, cũng nên kể thêm họ.
Và như thế thì nền Toán học VN không đến nỗi kém như anh Dũng nói trong bài.
Nhưng, liệu sự kể thêm này có hợp lý khi họ đang cống hiến cho nền khoa học của các nước khác?
|
Nhiều nhà khoa học trẻ, tài năng của Việt Nam đang làm việc tại các nước tiên tiến (ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ) |
Không nên nói là cống hiến cho khoa học của nước ngoài, mà là người Việt Nam cống hiến cho khoa học của thế giới, đó cũng chính là đóng góp cho khoa học VN, nâng uy tín của VN. Ở Nga, bây giờ, khi kể về Toán học, người ta vẫn kể về những người được giải thưởng Fields, mà hiện đang làm tại Pháp và Mỹ. Ông nghĩ gì về nhận định của anh Dũng: người VN làm khoa học ở nước ngoài không phải là "chảy máu", mà là "xuất khẩu" chất xám và điều này có lợi cho VN? Hiển nhiên không thể nói là "xuất khẩu chất xám" được, bản chất của việc xuất khẩu khác. Nhưng để đánh giá về mặt lợi - hại thì hơi khó, phải qua 1 quá trình lâu dài. Năm 1983, Trung Quốc cử đi Mỹ 5.000 NCS và họ không hi vọng những người đó trở về ngay. Chỉ có điều họ biết rằng, sớm hay muộn những người ấy cũng thành những người giỏi và sớm hay muộn họ cũng tìm được cách để những người ấy đóng góp cho đất nước. Tôi hi vọng, sự đóng góp của những nhà khoa học Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ lâu dài hơn. Và, tôi hi vọng 1 lúc nào đó, họ sẽ trở về VN làm việc. Có 1 điều tôi kỳ vọng là hiện tại chúng ta đang nỗ lực xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế. Mô hình như vậy sẽ là động lực để ngày càng có thêm những người VN giỏi về làm việc.
Không có khoa học cơ bản thì nguy cơ lâu dài là rất lớn
Anh Bùi Quang Ngọc, một người học Toán và hiện không làm Toán, cho rằng “Việt Nam chưa cần phát triển Toán lý thuyết”. Ông nghĩ gì về nhận định này?
Toán học đi từ thực tiễn đi lên. Từ thực tiễn trừu tượng hoá thành những bản chất, đến lúc nhìn vào đó, thậm chí người ta không thấy hình ảnh của thực tiễn ở đấy nữa. Nhưng khi nó quay về thực tiễn thì lại trở thành rất có ích.
Muốn có ứng dụng ở mức cao, phải có Toán lý thuyết ở mức rất cao.
Những nước mà kinh tế phát triển nhất, ứng dụng Toán giỏi nhất như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức… thì cũng chính là những nước mà Toán lý thuyết phát triển nhất.
Tức là, theo ông, ta nên có hướng đầu tư để Toán lý thuyết phát triển?
Điều này đặt ra khó khăn cho người làm chính sách. Vì họ bao giờ cũng thích ủng hộ tiền cho những dự án ứng dụng ngay.
Nhưng, nếu chỉ như thế thôi thì hết sức thiển cận. Bởi vì nhiều khi có những ứng dụng hết sức bất ngờ, từ khoa học cơ bản đưa vào, mà ta không thể nào lường trước được.
Tôi nghĩ không chỉ là Toán, mà ngay cả Vật lý, Hoá học, tình hình cũng có thể tương tự. Có nhiều nghiên cứu tưởng rất cơ bản nhưng trên thực tế nó lại đi vào ứng dụng lớn.
Ví dụ, thuyết tương đối của Einstein, ai mà nghĩ nó sẽ là cơ sở cho những ứng dụng trong điện tử.
Có một vấn đề đặt ra, với tình hình hiện tại, liệu ta có nên đi theo hướng thừa hưởng những nghiên cứu lý thuyết của thế giới, để ứng dụng, thay vì đầu tư nghiên cứu?
Toán học, hay nói chung là khoa học cơ bản có những đặc thù riêng. Nếu không nghiên cứu thì không hiểu được. Nếu muốn hiểu được lý thuyết của người ta để áp dụng thì không thể bê nguyên xi.
Nó khác với ứng dụng công nghệ ở chỗ là có thể bỏ tiền ra mua được. Điều này, nhiều người không hiểu.
Khoa học cơ bản tạo cho xã hội nền tảng cơ bản chung cao, để dễ thích ứng với những thay đổi. Mà, bây giờ công nghệ phát triển nhanh khủng khiếp, muốn bắt kịp thì nền tảng khoa học cơ bản phải vững.
Rất khó để nhìn thấy những lợi ích của nó, chẳng hạn, nhiều người có thể đồng tình với anh Trung Hà "làm Toán sẽ phí". Tuy nhiên, nếu không có những người làm Toán, không có khoa học cơ bản... thì nguy cơ về lâu dài là rất lớn.
Nhưng, đa phần những người trẻ làm khoa học cơ bản chọn ở lại xứ người, tức là sự đóng góp trực tiếp cho đất nước là tương đối nhỏ?
Đây là một bài toán khó trong tình hình hiện tại.
Tôi nghĩ lương bổng chưa phải là điều quan trọng nhất. Nhiều nhà khoa học giỏi, mà về nước, với tài năng của họ, làm đề tài, rồi dạy thêm... hoàn toàn có thể sống sung túc. Lý do mà nhiều người chọn ở lại vì họ là những người yêu sự nghiệp của họ.
Với môi trường khoa học trong nước, có thể nhiều người khi về sẽ bị "chết" tài năng, tức là không đủ khả năng để làm những công trình xứng đáng tầm của họ.
Trung Quốc làm điều này rất tốt. Họ có chương trình lấy tên là "100 tài năng", trong đó các nhà khoa học được tạo điều kiện làm việc không thua bất cứ nơi nào trên thế giới cả.
Đã đến lúc Việt Nam nên có chính sách như thế. Đầu tiên là sử dụng những người đang có ở trong nước, đó là cách tốt nhất để, trước hết là giữ chân những người tài, thông qua đó, cũng là tạo niềm tin cho những người ở nước ngoài.
Giới trẻ nên thay đổi và dám thay đổiPhát biểu của anh Trung Hà về Toán học đã gây nên bất bình lớn trong cộng đồng những người làm Toán, đặc biệt là ở Viện Toán. Là một người trong nghề, ông có cảm giác gì?Tôi nghĩ việc phát biểu của anh Hà cũng chứng tỏ anh ấy vẫn giữ tính cách điển hình của dân học Toán.
Nói chung, đa số những người dân Toán đều cực đoan và thích nói những điều độc đáo. Và, nhiều khi hi sinh nhiều thứ khác vì ý thích được trình bày những điều độc đáo.
Ông là dân Toán, nhưng hình như ông không phải là người cực đoan?Tôi cũng cực đoan, theo kiểu không coi bất cứ điều gì là tuyệt đối (cười).
Một chút về cá nhân, được biết, họ Hà nổi tiếng nhiều đời làm Toán. Ông đến với Toán học như thế nào?Họ Hà có nhiều nhánh Hà Văn, Hà Học, Hà Huy. Nói chung, họ của tôi là họ nghèo, đời nào cũng chủ yếu làm nghề học.
Tôi tốt nghiệp trường trung học Huỳnh Thúc Kháng, Vinh năm 1963, rồi vào ĐHTH khoa Toán, không được đi học nước ngoài vì chưa vào Đoàn. Tốt nghiệp năm 1967, tôi về Viện Toán (khi đó là phòng Toán trực thuộc Ủy ban khoa học nhà nước) và ngồi đó cho đến tận bây giờ.
Trong gần 40 năm làm Toán, đã bao giờ ông có ý định thử sức với một ngành nghề khác? |
Giới trẻ nên thay đổi và dám thay đổi |
Tôi là sản phẩm đào tạo của một thời kỳ mà con người không được và không có thói quen chủ động trong việc chọn hướng đi của cuộc đời mình. Tôi bị giáo dục theo hướng đó, và đúng là lười, là ngại thay đổi, dù biết rằng, có thể mình đã bỏ mất 1 vài cơ hội nào đó, mà mình không tự biết.
Một cách thẳng thắn, ông có bao giờ hối tiếc về điều này. Và, ông nhìn nhận, điều này là tốt hay không?Với tôi, Viện Toán là nơi làm việc rất tốt. Riêng việc không dám và ngại thay đổi, hiển nhiên là không tốt rồi.
Con người nên thay đổi và dám thay đổi. Phải phiêu lưu một chút. Và, những người ít bị trói buộc bởi các hệ tư tưởng đã được "đóng đinh", đã được công nhận... là những người dễ thích ứng và thành công. Những nhân tố ấy thường mang lại động lực cho sự phát triển xã hội.
Ở Mỹ, theo tôi biết, họ giáo dục học sinh cách nghĩ: nếu trong vòng 5 năm, mà bạn không thay đổi, tức là bạn đã bỏ qua 1 số cơ hội nào đó.
Ở Việt Nam, ít có thói quen thay đổi. Do tâm lý thích an toàn.
Việt Nam chưa có khoa học xã hội (?)Vẫn anh Ngọc, cho rằng, chúng ta đã sai lầm khi một thời dồn hết người giỏi vào học Toán. Ông có chia sẻ cùng suy nghĩ này?Nói chung, để nhìn lại lịch sử và nhận định đúng - sai là rất khó... trừ những trường hợp hiển nhiên. Nhưng "không nên dồn hết người giỏi cho Toán" là hoàn toàn đúng.
Thời đó là thời bao cấp, người ta không có ý thức lắm và không có thói quen tự quyết định tương lai cho mình.
Nếu để mọi người có thói quen tự quyết định tương lai, nghề nghiệp đúng với sở thích của mình thì không cần ai hướng dẫn cả, mà người giỏi sẽ được phân phối cho đều trong các ngành của xã hội.
Nước Mỹ, theo tôi là 1 nước mà cơ chế điều chuyển, sử dụng người tốt, nên họ phân phối rất tốt. Ví dụ, 1 người có thiên hướng về chính trị thì họ sẽ học Luật, người có thiên hướng về khoa học cơ bản, sẽ chọn các ngành đó...
Khi con người có thói quen lựa chọn và được tự lựa chọn thì không theo bất kỳ sức ép gì, thì xã hội sẽ rất lành mạnh và phân phối 1 cách tương đối đều.
Chứ như bây giờ, theo tôi, nước ta vẫn chưa đạt được đến điều ấy, mà trẻ con bây giờ đi học vẫn bị thiên lệch.
Một sự thiên lệch lớn trong xu hướng chọn nghề của giới trẻ VN là tâm lý "coi thường các khối ngành xã hội". Và, có một thực tế là học sinh có trí tuệ tốt thường "nói không" với các ngành này. Ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?
Thực chất, ở Việt Nam chưa có khoa học xã hội.
Xin lỗi ông, chưa phát triển hay chưa có?Chính xác là chưa có. Khoa học, bản thân nó, theo đúng nghĩa phải có tranh cãi, sáng tạo, phải chấp nhận những sự khác nhau, phải tồn tại những trường phái khác nhau.
Nhưng, ở Việt Nam, chúng ta chỉ cho phép tranh luận trên một khung tư tưởng đóng chặt, đó là chủ nghĩa Mác. Và điều đó hạn chế rất nhiều đến sự phát triển của khoa học xã hội.
Cho nên, nó cũng tác động đến tâm lý chọn nghề của các bạn trẻ.
Một tâm lý phổ biến khác của người Việt Nam vẫn là coi trọng bằng cấp. Thực tế, nhiều khi việc học cao đồng nghĩa với việc hi sinh những cơ hội khác nào đó, có thể phù hợp hơn.
Điều đó cũng dễ hiểu. Việt Nam chịu ảnh hưởng của hệ thống khoa cử lâu đời. Trong xã hội xưa, con đường tiến thân duy nhất của con người là học.
Tuy nhiên, xã hội bây giờ, mở rộng hơn nhiều và mở rộn con đường đi chứ không chỉ có học hành thi cử.
Tôi gặp nhiều ví dụ về sự thành công như thế này.
Tôi biết một cậu, con của ông Nguyễn Khắc Phi, cháu ông Nguyễn Khắc Viện... đã không đỗ đại học trong năm thi đầu. Đây là niềm thất vọng rất lớn cho một gia đình có truyền thống học hành như thế.
Nhưng, anh ấy đã không cố gắng để đi tiếp con đường khoa cử, mà dấn thân vào một lựa chọn khác và đã đi đúng hướng. Và hiện tại anh là một chủ doanh nghiệp thành đạt.
Theo ông, làm sao để chúng ta khuyến khích, một cách thực sự, những suy nghĩ như thế này?Do cách đánh giá học sinh, hay rộng ra là đánh giá con người ở ta còn phiến diện. Một người mà có khả năng về cái gì đó, thì tất nhiên là họ giỏi rồi.
Thời ở Nga, tôi thấy người ta đánh giá học trò không giống của ta. Ở ta, em nào học giỏi hay được nhắc đến. Còn họ, tuyên dương em A giỏi vẽ, em B giỏi nhảy cao... tức là họ tôn trọng tất cả mọi khía cạnh hoạt động của con người.
Chúng ta cần tuyên truyền và sử dụng nhiều hơn cách đánh giá này. Như thế cũng là cách xây dựng tâm lý linh hoạt trong cách nhìn nhận, chọn nghề...
Cảm ơn ông.