(VietNamNet) - Theo dõi tranh luận về làm toán và học toán trên VietNamNet gần đây, là một nghiên cứu sinh thế hệ 8X ngành toán, tôi muốn chia sẻ một số ý kiến của mình.
Đầu tư cho toán học được bao nhiêu?
Phải chăng, Nhà nước đã đầu tư quá nhiều cho ngành toán lý thuyết (cứ cho là vậy, mặt dù theo GS Hà Huy Khoái, trong toán rất khó phân biệt đâu là ứng dụng đâu là lý thuyết) đến mức một số người đã yêu cầu đừng đầu tư nữa? Tôi tự hỏi, Nhà nước đã đầu tư đặc biệt gì cho chúng tôi so với những ngành khác?
Tôi không biết nhiều về thời kì trước của các bác, các chú. Riêng bản thân, sau khi tốt nghiệp ĐH loại giỏi, tôi trở thành cán bộ giảng dạy ở khoa toán của một trường ĐH trọng điểm và nhận mức lương 500.000 đồng từ năm 2003, đến tháng 9/2005 là khoảng 700.000 đồng. Thêm vào đó, tôi tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước với các thầy, thu nhập được tăng thêm 100.000 đồng mỗi tháng. Số tiền tuy ít nhưng tôi vẫn đam mê vì những kiến thức mà mình thu được, tạo tiền đề phát triển nghề nghiệp sau này.
Để đầu tư cho SV ngành toán, nhà nước chỉ cung cấp cho chúng tôi một vài máy tính có thể truy cập Internet trong khi các ngành khác phải đầu tư gấp nhiều hơn. Học bổng 322 cho ngành toán cũng chẳng được ưu tiên so với các ngành khác nếu không muốn nói là ít hơn.
Như vậy, bảo Nhà nước đừng đầu tư cho ngành toán nữa, phải chăng chúng ta nên dẹp hết các khoa toán ở các trường ĐH hay là cho dân toán một mức lương dưới mức tối thiểu của xã hội?
Hiện nay, có phải ngành toán thu hút nhiều HS quá giỏi nên chúng ta phải khuyên HS giỏi đừng đi vào ngành toán, đi học toán sẽ phí tài năng, đi ngành khác sẽ đóng góp cho đất nước nhiều hơn?
Có thể nhận thấy rằng, điểm chuẩn vào ĐH ở chuyên ngành toán ở nước ta thấp hơn những ngành khác. Như vậy, mặt bằng SV khoa toán không giỏi hơn SV ngành khác. Tôi cũng đồng ý với quan niệm, không nên để tình trạng “nhà nhà đi học toán, người người đi học toán”. Nhưng nếu không có ai giỏi đi theo ngành này thì quả là một mối nguy cho đất nước. 20 năm sau, chẳng lẽ chúng ta thuê người nước ngoài vào dạy toán và nghiên cứu toán cho Việt Nam ư? Có lẽ lúc đó chúng ta nên mua gạo của Thái Lan ăn nốt.
Toán lý thuyết của VN có phụ lòng đầu tư của Nhà nước và nhân dân?
Nhiệm vụ chính của chúng tôi là giảng dạy toán và làm toán. Chúng tôi dạy cho ai? Dạy cho những người sẽ thành giáo viên dạy toán các cấp học và hầu hết SV các ngành khác ở ĐH. Thế giới đánh giá Việt Nam thuộc loại khá về toán học. Điều đó không có ích lợi kinh tế hay văn hóa ư? Vậy nên chăng, chúng ta không đầu tư các môn thể thao như cờ vua, bida, kiếm thuật v.v... Các vận động viên ấy đem được lợi ích kinh tế gì cho đất nước nếu dựa theo quan niệm ích lợi hữu hình? Tôi tự hỏi, tại sao Intel đầu tư vào Việt Nam hay lý do gì Bill Gate phải mất một chuyến đi dài đến Việt Nam? Vì thị trường tiềm năng, vì nhân công rẻ và quan trọng nhất, dân Việt Nam có khả năng tư duy. Nhìn vào đâu để thấy khả năng đó, phải chăng cũng đã nhìn vào nền toán học Việt Nam?
Nếu giải thưởng Clay của GS Ngô Bảo Châu, một trong những giải thưởng uy tín nhất của thế giới dành cho ngành toán, là không đáng được ca ngợi vậy chúng ta nên ca ngợi cái gì ở ngành toán Việt Nam? Chẳng là gì cả thật vô lý. Vậy thì TS Ngọc nên đề nghị thu hồi lại giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà toán học Việt Nam luôn thể.
Tôi không đồng ý với quan niệm của TS Ngọc về vấn đề một vài suất học bổng tiến sĩ nước ngoài mà một GS toán Việt kiều tìm được không có ý nghĩa gì nhiều.
Theo kiến thức của tôi, để cấp một học bổng học tiến sĩ ở nước ngoài cho SVVN, dự án 322 phải đầu tư ít nhất 500 triệu đồng. Một phép tính rất đơn giản, ta cứ cho rằng cả đời làm toán của một GS Việt kiều sẽ tìm cho Việt Nam được 3 suất học bổng thì số tiền đóng góp gián tiếp cho nhà nước là 1.5 tỷ đồng. Thật ra, số tiền này quá nhỏ so với những quan chức như Bùi Tiến Dũng hay Nguyễn Việt Tiến nhưng đối người dân nghèo như gia đình tôi thì đây là quá lớn.
Đó chỉ là những đóng góp mà ta có thể nhìn thấy rõ ràng ở các Việt kiều làm toán. Ngoài ra, các thầy còn đóng góp những mặt khác, rất “vô hình”, chỉ có ai tâm huyết với đất nước và có tầm nhìn sâu rộng mới cảm nhận được.
Những HS giỏi đã “lỡ” đi theo ngành toán liệu có đóng góp ích lợi về kinh tế cho đất nước thấp hơn so với việc theo học các ngành khác? Vấn đề này tôi xin không bình luận vì vượt quá tầm hiểu biết bé nhỏ của mình. Nhưng tôi chỉ nêu trường hợp của cá nhân mình.
Tôi vốn là HS bình thường của một tỉnh nhỏ. Nhờ đam mê toán và các thầy tận tình hướng dẫn, tôi đã tìm được học bổng NSC sau khi tốt nghiệp cao học trong nước. Mỗi năm học ở nước ngoài, tôi có thể dư được cả trăm triệu đổng để gửi về cho gia đình ở Việt Nam, (số tiền này, một người bạn học giỏi hơn tôi thời cấp 3 hiện làm ở FPT phải tiết kiệm hơn 5 năm).
Tôi cũng được biết một số thầy làm toán ở trong nước, hằng năm được mời sang nước ngoài dạy và nghiên cứu ngắn hạn với mức lương khoảng 4000 USD/tháng. Chắc chắn số tiền các thầy mang về nước sau đợt trao đổi hợp tác này là không ít, chưa kể đến mối quan hệ quốc tế quí giá không thể đếm được bằng tiền.
Hằng năm, số tiền của những Việt kiều làm toán (trên 200 người) gửi về Việt Nam cho gia đình hẳn không phải nhỏ. Tôi nghĩ, tổng số tiền này đôi khi nhiều hơn mức xuất khẩu của một công ty tin học lớn ở Việt Nam. Như vậy, nói là “xuất khẩu chất xám” không có gì ngụy biện cả. Có chăng là xuất khẩu chất xám quá “vô hình” nên ít người nhìn thấy được.
Để chúng tôi, những người đã “lỡ” đi theo ngành toán có thể đóng góp cho xã hội, mong các bác, các chú hãy dành tâm huyết góp ý xây dựng một chương trình dạy toán căn bản phù hợp và mang tính ứng dụng, thiết thực hơn cho việc nghiên cứu và làm việc. Mặt khác, chương trình học dành cho lớp chuyên toán sẽ thật sự là chuyên toán. Có mối liên hệ giữa các người làm toán và những nhà chuyên môn về kinh tế, kỹ thuật và các ngành khoa học khác để nâng cao toán học VN lên tầm cao mới.
Tôi cũng muốn nhắn nhủ với các em HS, nếu các em đam mê và có khả năng thì cứ học toán. Mọi người đều có thể đóng góp sức mình cho đất nước bằng cách này hay cách khác. Khi các em phát huy sở trường của mình, nhất định các em sẽ có cuộc sống ổn định và có cơ hội đóng góp sức mình cho nước nhà. Nếu các em thần tượng Bill Gates, chính Bill Gates bảo các em nên cố gắng học toán đấy thôi. Riêng tôi, tôi rất tâm đắt với câu nói của Bill Gates “Tôi không thể nào nói hết được tầm quan trọng của công cuộc đào tạo toán học đối với không chỉ máy tính mà với mọi lĩnh vực khác (kinh tế, kỹ thuật). Toán là môn khoa học căn bản nhất.”
-
Hồng Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét