... hu28m, tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn xếp, vai mang nải hoa ...

...

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2007

Ví Dụ Ta Yêu Nhau - Ví dụ 1: con cua




Ví Dụ Ta Yêu Nhau

Nhỏ,

Chúng ta là những người xa lạ chưa biết nhau mặc dù hằng ngày chúng ta vẫn cùng nhau thở chung một bầu khung khí của trái đất này. Trong hơi thở tôi đã có hơi thở em và ngược lại trong hơi thở em cũng đã có hơi thở tôi. Như thế nếu suốt đời chúng ta không quen nhau thì thật buồn.

Em hãy tưởng tượng nếu ông Adam và bà Eva không chịu làm quen với nhau có lẽ trái đất này chỉ có hai bóng người cô quạnh giữa hùm beo rắn rết và như thế Chúa phải đau lòng ghê gớm khi nhìn thế giới do Ngài tạo ra, con người đã chẳng thèm nhìn mặt nhau.

Đừng làm Chúa phải đau lòng nghe nhỏ. Ngài đã đau khổ nhiều rồi, chúng ta hãy cố giúp Ngài có nụ cười bằng cách chúng ta làm quen với nhau, đừng mãi mãi làm người xa lạ.

Chắc em hét lên: "Ông là cái thá gì mà bắt tôi phải làm quen với ông ?"

Ừ, tôi chẳng là cái thá gì cả vậy em chẳng cần phải quen tôi thật sự. Chúng ta cứ giả vờ quen biết nhau, cứ ví dụ ta quen nhau cho Chúa vui lòng.

Nhỏ,

Em nói: "Thôi được. Ví dụ ta quen nhau, rồi sao nữa ?"

Đã ví dụ ta quen nhau, em hãy tiếp tục ví dụ một lần nữa xem sao.

Lần này,

Ví dụ ta yêu nhau...


Ví Dụ Ta Yêu Nhau - Ví dụ 1: con cua

Ví dụ bạn yêu một cô gái tính "ngang như cua" và nàng nói tôi không yêu ai cả thì bạn sẽ đối xử ra sao?

Ngang như cua là gì? Muốn hiểu rõ chỉ có cách mua ngay một con cua đem về để quan sát. Bạn hãy để cho nó tự do bò trên sàn nhà và bạn xem kìa, nó bò đi không giống những con vật khác đầu hướng về phía nào chân bò theo hướng đó, con cua của bạn (hay của bất cứ ai cũng vậy) đầu hướng về bên trái (hay phải) trong khi chân vẫn thản nhiên bò về phía trước như thường. Quan sát xong bạn đừng vội kết luận : A! Tôi hiểu rồi, người yêu của anh có tướng đi ngang như cua nghĩa là đầu nàng luôn luôn quay về một bên trong khi chân vẫn bước đều về phía trước chứ gì. Ối giời! Nếu bạn nghĩ như vậy thì đúng là bạn ngang như cua rồi. Không phải nàng đi như vậy đâu. Tôi cam đoan với bạn nàng có tướng đi rất đẹp, tướng đi của một tiểu thơ đài các đàng hoàng. Tôi muốn nói cái tính của nàng kìạ Cái tính của nàng mới không giống các cô gái khác. Cái tính của nàng mới ngang như cua.

Lần ấy chúng tôi cắm trại ở Vũng Tàu. Nàng đã theo người anh cùng tham dự trại với chúng tôi và vô tình nàng được chia vào nhóm do tôi kiểm soát gồm tám người. Khởi hành từ Sài Gòn lúc bẩy giờ sáng, chúng tôi đến Vũng Tàu khoảng mười giờ. Trại vừa dựng xong mọi người đều hối hả trèo núi, tắm biển và chiều đến tất cả đều mệt nhừ chẳng muốn đi đâu. Chúng tôi quây quần lại nấu bữa ăn tối. Khoảng một giờ sau tôi đi lãnh phần ăn đem về phân phát cho mỗi người trong nhóm. Chia xong tôi thấy dư một phần ăn và mừng húm vì nghĩ làm trưởng nhóm mình đã lời to nhưng một cô bạn gái đã lên tiếng phá vỡ niềm vui dạt dào của tôi.
- Thiếu một người.

Tôi ngây thơ hỏi :
- Ai vậy kìa ?
- Cô em gái của Đang.
- Chúa ơi, có cô đó nữa à ?
- Buổi sáng ông đã điểm danh tên người ta bây giờ quên rồi sao. Ông kiểm soát bê bối quá nếu cô ấy bị chết đuối thì ông lãnh đủ.
- Đừng giỡn bạn, nếu chết đuối thì tôi đã biết.
- Người ta chết đuối chứ ông có chết đâu mà ông biết.

Một ông bạn vừa nhai thịt gà kho gừng vừa cất giọng ngâm Cung Oán:
- Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán. Chết đuối người trên cạn mà chơi.

Cả bọn (trừ tôi) đều cười hể hả. Cô bạn lại thúc dục:
- Ông lo đi tìm người ta đi chứ.

Tôi năn nỉ:
- Thôi cô đi tìm giúp tôi đi. Tôi đang đói bụng.
- Ông nói hay chưa, đó là việc của trưởng nhóm mà.

Lúc này tôi mới nhận ra chức trưởng nhóm thật dễ ghét, chẳng lợi lộc tí nào. Tôi nhăn nhó.
- Được rồi. Ăn xong tôi sẽ đi tìm.
- Khi đó trời tối rồi ông biết đâu mà tìm.

Tôi đành uể oải đứng dậy cầm theo hai phần ăn gói trong tờ nhật báo. Cô bạn gái hỏi :
- Ông đi đâu vậy ?
- Tôi vừa đi tìm vừa ăn để lấy sức.

Ông bạn ngân Cung Oán lại dặn :
- Nhớ đừng ăn qua phần của cô ta nghe. Nếu cô ta không ăn ông phải đem về đây chứng minh cho mọi người biết.

Chúa ơi, bây giờ con mới giác ngộ người ta sống nhờ ăn.

Nhiều nhà văn nhà thơ đã ca tụng cảnh hoàng hôn trên bãi biển đẹp tuyệt vời nhưng nhìn mãi mặt trời đỏ ngầu đang "chết đuối" ngoài khơi tôi chẳng thấy đẹp ở đâu. Có lẽ tại cơn đói bụng trong tôi đã chạy lên đôi mắt. Tôi lấy ổ bánh mì kẹp thịt gà ra vừa nhai vừa nhảy lên các tảng đá vừa đưa mắt tìm kiếm.

Sau khi ăn hết ổ bánh mì tôi mới nhìn thấy một cô gái đang ngồi trên một tảng đá cao mắt nhìn đăm đăm về phía mặt trời lặn. Không biết nàng có phải là cô gái ở nhóm tôi không, vì buổi sáng tôi nhớ mang máng nàng mặc áo đỏ còn cô gái này mặc áo thun trắng. Tôi đứng dưới tảng đá quan sát một lúc rồi hỏi :
- Xin lỗi có phải cô cùng đi cắm trại với chúng tôi ?

Cô gái (cô bé thì đúng hơn vì lúc đó nàng độ chỉ mười lăm tuổi rưỡi) nhìn tôi gật đầu.
- Phải.

Sợ lầm với một cô gái ở nhóm khác nhận ẩu phần ăn thì nguy (ai mà quả quyết được con gái không thích ăn nhiều) nên tôi hỏi cặn kẽ :
- Cô ở nhóm tôi phải không ?
- Ông ở nhóm nào ?

Chúa ơi, trưởng nhóm là vua một cõi mà không biết đến thì còn ra thể thống gì. Tôi liền tự giới thiệu :
- Tôi là trưởng nhóm 4. Cô ở nhóm mấy ?
- Tôi không biết mình ở nhóm mấy.
- Cô có phải là em gái của Đang ?
- Phải

Tôi đưa ổ bánh mì lên cao :
- Cầm ăn đi. Cô làm tôi tìm hụt hơi.

Cô bé không thèm với đến ổ bánh mì. Có lẽ nàng chưa biết đói là gì. Nàng hỏi :
- Ông tìm tôi làm gì ?

Phải dơ cao ổ bánh mì mỏi cả tay tôi nổi sùng trả lời :
- Tôi tìm cô làm quái gì. Tôi đi phát phần ăn cho cô. Lần sau đi đâu cô phải xin phép để tôi biết mà để dành phần ăn cho cô. Cầm lấy đi.
- Tôi không ăn vậy tôi khỏi cần xin phép ông.
- Cô không đói ?
- Phải !
- Còn ổ bánh mì này ?
- Ông ăn đi.

Lạy Chúa, phải chăng đây là ân sủng Ngài đã dành cho con.

Tôi mừng rỡ trèo lên tảng đá ngồi xuống bên nàng mở giấy báo lấy ổ bánh mì ra nhai ngấu nghiến. Ổ bánh mì trước hình như đã tan trong hơi thở của tôi sau một hồi leo trèo qua các tảng đá tìm nàng. Bánh mì ăn với thịt gà kho gừng thật tuyệt vời và lúc này tôi mới đồng ý với các nhà văn nhà thơ là cảnh hoàng hôn trên bãi biển đẹp tuyệt vời. Mặt trời đã chìm khuất sau làn nước xanh và chân trời rực lên màu hồng. Ôi, thiên nhiên sao mà đẹp quá vậy. Mầu đỏ hồng chuyển dần sang mầu tím nhạt và mặt trời càng lúc càng xanh thẫm. Khi chân trời cùng mầu với mặt biển là lúc ổ bánh mì đã nằm gọn trong bụng tôi.

Cô bé cười, nói :
- Ông đói lắm hả ?
- Phải. Tôi đủ sức ăn thêm một ổ bánh mì nữa.
- Ước gì tôi ăn khỏe như ông.
- Cô đau bao tử à ?
- Không phải vậy. Tại tôi không cảm thấy đói.
- Ước gì tất cả những cô gái trên đời này đều không cảm thấy đói như cô thì đở khổ cho đàn ông biết bao.
- Trông ông ăn thật ngon miệng.
- Cô đã nhìn tôi ăn hết ổ bánh mì ?
- Phải.

- Vậy mà tôi cứ tưởng cô ra đây nhìn hoàng hôn trên bãi biển.
- Thì ông cũng ở trong cảnh hoàng hôn đó như tảng đá này.

Như tảng đá này. Chúa ơi, nàng đã đồng hóa tôi với một vật vô tri vô giác. Tôi bất mãn nói :
- Tảng đá không biết đói bụng. Nó giống cô chứ không giống tôi.

Và quả thật từ phút đó nàng đã là tảng đá. Nàng ngồi bó gối đầu gục xuống chẳng thèm nói một lời dù cho tôi có mõi miệng bắt chuyện. Đêm xuống thật nhanh cùng lúc với sương giá và những ngọn gió từ ngoài khơi thổi vào khiến tôi bắt đầu thấy lạnh run. Tôi cũng ngồi bó gối như nàng để giữ hơi ấm và may mắn hơn nàng tôi nhờ những điếu thuốc nên đã chịu đựng được giá lạnh dễ dàng. Dưới ánh trăng nhợt nhạt thỉnh thoảng nàng khẻ rùng mình, giá lạnh như những con kiến đang bò trên da thịt nàng. Tôi lập lại lời xin lỗi (không biết lần thứ mấy) và nói nàng hãy về vì các bạn đang đốt lửa trại, có thể anh nàng đang đợi nàng nhưng nàng vẫn ngồi im chẳng nói một lời. Tôi bịa chuyện bờ biển này có nhiều người chết đuối mà đêm khuya ma thường hiện lên vậy nàng hãy về đi. Nhưng có tảng đá nào biết sợ ma đâu. Nàng vẫn ngồi im.

Đêm càng lúc càng lạnh và sương phủ mờ trên biển cả. Chẳng còn điếu thuốc nào để châm hút, tôi đứng dậy nói :
- Cô không về tôi về một mình.

Tôi nhảy xuống khỏi tảng đá định chạy về gọi anh nàng ra kéo nàng về nhưng chạy được một quãng tôi nghĩ để nàng ngồi một mình lỡ có chuyện không hay xẩy ra thì sao nên tôi lại chạy trở lui trèo lên tảng đá ngồi xuống bên nàng. Tôi nói :
- Được rồi, tôi nhất định ngồi đây với cô để thi xem ai chịu lạnh giỏi.

Cô bé lặng lẽ đứng dậy trèo xuống tảng đá rồi bước đi chậm rãi về hướng chúng tôi cắm trại. Tôi chưng hửng trong giây lát rồi giận dữ nhảy xuống tảng đá đuổi theo. Tôi giữ chặt vai nàng định nói một câu dữ dằn nào đó cho hả giận nhưng nhìn đôi mắt nàng buồn bã lờ đờ hơi sương, tự dưng cơn giận tôi biến mất. Tôi buông tay khỏi vai nàng và thở dài.
- Sao em ngang như cua vậy.

Nàng cúi đầu chân đi đi trên cát ấm.
- Tính tôi vậy đó nên ai cũng ghét tôi và tôi cũng chẳng yêu ai.

Tôi nói :
- Phải, trừ tôi ra vì tôi rất thích ăn cua, nhất là cua rang muối.

Nàng ngẩng đầu nhìn tôi mỉm cười :
- Ông cũng ngang như cua. Tôi chỉ là cua đồng còn ông là cua biển.

Khi chúng tôi về đến trại, buổi lửa trại đã xong. Tất cả bạn hữu đã đi ngủ chỉ còn lại hai người ngồi bên đống than hồng để sưởi ấm. Cô bé đi về phía trại dành cho phái nữ còn tôi tạt vào phía đống than để ngồi sưởi. Cô bạn gái ngồi cầm que hẩy những nhánh củi cháy dở vào đống than nhìn thấy tôi nàng hỏi :
- Ông đi đâu mà giờ mới về ?
- Tôi lạc đường.

Ông bạn ngâm Cung Oán đang gục đầu ở đầu gối vội ngẩng đầu lên xuất khẩu thành thơ :
- Ngày xưa Lưu Nguyễn nhập thiên thai. Mê mẩn đào tiên lạc lối về. Ngày nay ...

Tôi vội nói :
- Thôi, ông nín đi cho tôi nhờ.

Nhưng hai người bạn tiếp vẫn tiếp tục nói bóng gió về chuyện gặp gỡ giữa tôi và cô bé, tôi bèn đứng dậy về trại ngủ. Khi người ta đã ăn một lúc hai ổ bánh mì kẹp thịt gà kho gừng thì xá gì mấy lời xầm xì của những kẻ chỉ được ăn một ổ bánh mì mà thôi.

Vì mưu sinh, mãi 4 năm sau tôi mới có dịp trở về Sài Gòn. Trong thời gian rời xa đó tôi và nàng đều không viết thư cho nhau. Không phải vì lười biếng hay vì tính ngang như cua mà vì tôi nghĩ tình yêu không sống nhờ mấy lá thư. Bằng chứng tôi đã từng viết cho một cô gái khác hàng trăm lá thư tình ái ngọt ngào nhưng rồi vẫn nhẹ bước lên xe hoa về nhà chồng trong khi tôi hì hục leo lên xe GMC vào quân trường. Xấp thư của nàng tôi đã đem bán ký cho người ta gói đường, muối, hành tỏi, không biết xấp thư của tôi được nàng dùng vào công việc hữu ích nào.

Buổi chiều dạo phố dọc theo các quán sách, tôi đã gặp nàng đứng ăn "bò bía" với các bạn ở đường Pasteur. Cả hai đều ngạc nhiên vì còn nhận ra nhau dễ dàng. Trông nàng bây giờ cao và đẹp hơn xưa nhiều. Nàng nói :
- Tôi đã đi làm, còn ông sao mà đen thế ?
- Tôi ở xứ nước mắm mới về.

Nàng bật cười :
- Hèn chi ông thơm ghê.
- Đừng xạo cô. Tôi đã tắm rửa sạch sẽ. Rảnh không đi uống nước với tôi.

Nàng nói gì với mấy người bạn rồi bước đi với tôi. Phố đông những qua lại chúng tôi phải nắm tay đi len lỏi giữa đám người đứng xem các món hàng bày bán trên vỉa hè, chúng tôi vào ngồi ở quán có tên một loài hoa ở Đà Lạt. Quán vắng không có nhạc và bàn ghế rất sạch. Tôi gọi cho nàng chai coca và tôi chai 33.

Tôi hỏi :
- Em ăn gì không ?
- Mới sáu giờ mà.
- Anh đã đói bụng.
- Ông vẫn thường đói bụng ?
- Phải, còn em vẫn chưa biết đói là gì à ?

Tôi gọi hai đĩa cơm gà. Khi cơm được người hầu bàn mang ra đặt trước mặt hai người, tôi nói :
- Ráng ăn đi. Cứ ăn thật no rồi sẽ có dịp cảm thấy đói bụng.

Tôi cắm cúi ăn sắp hết đĩa cơm mà nàng vẫn không cầm đến muỗng nĩa. Tôi hỏi :
- Chê à. Để anh gọi cho em món cua rang muối nghe ?
- Không. Nhìn ông ăn thích hơn.

Nàng kéo đĩa cơm tôi sắp ăn hết về phía nàng và đẩy đĩa cơm còn đầy về phía tôi.
- Ông ăn mừng thay tôi ngày chúng ta gặp nhau.

Lạy Chúa, phải chăng đây là hình phạt dành cho con.

Chai 33 đã làm tôi no ứ hơi, khi người ta no ứ hơi mà phải ăn thêm dù là cơm thịt gà chiên bơ cũng là một cực hình. Tôi phải cố gắng thi hành cực hình cho nàng bằng lòng.

Rời quán chúng tôi vào rạp chiếu bóng xem phim có Annie Girardot đóng. Đây là nữ tài tử mà nàng nói rất thích khi đã xem phim Mourir d'aimer. Phim chúng tôi xem kể lại chuyện tình của vợ chồng đã ly dị nhau hơn 10 năm. Lý do ly dị tại người chồng không chịu được những hoạt động chính trị của vợ. Lý do yêu đương trở lại vì người vợ vẫn còn yêu thương chồng dù ông ta đã có vợ khác. Phim có phần nhạc đệm thật hay và tôi rất thích chiếc nón rơm mầu đỏ rực rỡ mà Annie đã đội vào mùa xuân tuyết chưa tan. Tôi nói :
- Em thấy không mối tình già thật đẹp.
- Vâng.

Chúa ơi, lần đầu tiên tôi nghe nàng nói "vâng".
- Vậy chúng ta đợi đến già hãy yêu nhau cho tình được đẹp.
- Không. Em thích yêu ngay khi còn trẻ dù tình không đẹp như trong phim.

Chúa ơi, lần đầu tiên tôi nghe nàng xưng "em".
- Còn anh nghĩ sao ?

Chúa ơi, lần đầu tiên tôi nghe nàng gọi "anh".

Như vậy tôi nghĩ làm quái gì nữa cho mệt óc khi mình đang sung sướng. Và để cho đầu óc khỏi trở chứng suy nghĩ lôi thôi mất thì giờ, tôi xiết nhẹ bàn tay nàng.

- Em ghét anh. Em ghét anh.

Nàng run rẩy gục đầu vào bờ vai tôi và khóc.

Ví dụ bạn yêu một cô gái tính "ngang như cua" và nàng nói "em ghét anh, em ghét anh" rồi nàng khóc thì bạn sẽ đối xử ra sao?

Nếu 1 ngày nào đó .....

Nếu 1 ngày nào đó .....

Nếu 1 ngày nào đó bạn nhận thấy mọi chuyện tốt đẹp bấy lâu nay đã thay đổi ,xin đừng bi quan và buồn khổ ,đó là lúc bạn cần mỉm cười ...

Nếu 1 ngày nào đó bạn nhận thấy người mình yêu thương lại không còn yêu thương mình nữa, xin bạn đừng trách người ấy và hãy tôn trọng quyết định của họ, bởi vì họ thực sự muốn như thế, bạn chẳng thể nào ép buộc con tim của người ta khi tình cảm của họ không còn thuộc về bạn nữa.

Nếu 1 ngày nào đó bạn chợt nhận ra nụ cười mà bạn dành tặng cho ai đó lại có 1 ý nghĩa đặc biệt như thế, xin bạn hãy tiếp tục mỉm cười và tặng cho tất cả những người còn lại - những người còn chưa thấy được nụ cười tuyệt vời của bạn

Nếu 1 ngày nào đó bạn phát hiện ra những sự thật phũ phàng đằng sau những điều tưởng như tươi sáng kia, xin bạn đừng tuyệt vọng mà hãy tin rằng đằng sau những sự thật phũ phàng ấy chắc chắn có những lý do riêng của nó và điều tốt đẹp vẫn đang chờ đón bạn vào 1 ngày không xa.

Nếu 1 ngày nào đó bạn không còn được như bây giờ, tài năng, sức khoẻ, và nhan sắc đã bị thời gian làm phai màu thì xin bạn chớ lo lắng, đó là lúc bạn bắt đầu kể lại câu chuyện cuộc đời mà bạn đã trải nghiệm cho những con người trẻ hơn - những con người cần sự chỉ đường sáng suốt của 1 người như bạn đấy.

Nếu 1 ngày nào đó bạn nhận thấy cuộc đời này đáng chán biết dường nào, và mọi việc dường như đi vào ngõ cụt thì đó là lúc bạn phải bình tĩnh, can đảm để tìm 1 con đường mới, dù rằng có thể bạn sẽ bị shock nhưng cách tốt nhất để nhìn thấy màu hồng của cuộc sống là bạn phải mở to mắt ra và chỉ nên nhìn vào những điều tốt đẹp.

Nếu 1 ngày nào đó bạn đối mặt với những lời yêu thương từ những người mà bạn yêu quý, đó là lúc bạn để con tim mình cất lên tiếng nói chọn lựa ai là người bạn yêu mến nhất và lý trí của bạn sẽ đảm nhận phần việc xem ai là người thích hợp nhất .Thật tuyệt vời nếu người mà bạn yêu nhất lại là người thích hợp với bạn nhất, nhưng nếu chỉ được chọn 1 trong 2 người đó thì có lẽ bạn nên chọn người đã cùng bạn trải qua những vui buồn, chia sẽ với bạn tình cảm chân thành của họ và có nhiều kỷ niệm đẹp cùng bạn. Vì khi chọn lựa họ, bạn sẽ không bao giờ đánh rơi những kỷ niệm đẹp mà bạn có và đó là động lực để 2 người yêu thương nhau hơn.

Nếu 1 ngày nào đó bạn nhận thấy mình đã trưởng thành, và đủ tự tin để có thể đối mặt với những điều khó khăn sắp tới, đó là lúc bạn nên chia sẽ kinh nghiệm của mình cho mọi người, vì ở 1 nơi nào đó vẫn còn nhiều bạn cùng lứa với bạn vẫn đang loay hoay tìm lối đi vững chắc vào đời.

Nếu 1 ngày nào đó, bạn không còn đủ thời gian để xem, hay đơn giản là ngẫm nghĩ lại những điều tốt đẹp mà bạn đã trải qua, đó là lúc bạn cần phải nghỉ ngơi và thư giãn, vì bạn đang đi quá nhanh trên con đường đời và rất có thể bạn sẽ bạn sẽ vấp ngã. Cách tốt nhất là bạn nên dung hoà giữa công việc và cuộc sống, và luôn mỉm cười.

Nếu 1 ngày nào đó bạn nhận thấy trong cuộc sống có quá nhiều điều tươi đẹp và mọi người xung quanh bạn đã trở thành bạn tốt, và bạn được 1 ai đó yêu bằng cả con tim thì đó là lúc bạn phải mạnh mẽ lên để giữ lấy những điều tốt đẹp này, vì nếu bạn không trân trọng, nâng niu những gì bạn đang có thì bạn đang đánh rơi cơ hội để trải qua hạnh phúc, tình yêu và cả những nụ cười nữa đấy.

Nếu 1 ngày nào đó .....

Ca Dao Về Tình Yêu 3

Ca Dao Về Tình Yêu

Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
Năm thương cổ yếm đeo bùa,
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
Bảy thương nết ở khôn ngoan,
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
Chín thương cô ở một mình,
Mười thương con mắt có tình với ai.

Vài vườn trảy quả cau non,
Anh thấy em giòn, muốn kết nhân duyên.
Hai má có hai đồng tiền,
Càng nom càng đẹp, càng nhìn càng ưa.
Anh đà có vợ con chưa?
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào.
Mẹ già anh ở nơi nào?
Để em tìm vào hầu hạ thay anh.
Chẳng tham nhà ngói rung rinh,
Tham về một nỗi anh xin miệng cười.
Miệng cười anh đáng mấy mươi,
Chân đi đáng nén, miệng cười đáng trăm.

Thân em như ới chín cây,
Càng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng.

Hỡi cô gánh nước quang mây!
Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng.
Cây ngô đồng cành cao cành thấp,
Ngọn ngô đồng lá dọc lá ngang,
Quả dưa gang ngoài xanh trong trắng,
Quả mướp đắng ngoài trắng trong vàng,
Từ ngày anh gặp được nàng,
Lòng càng ngao ngán dạ càng ngẩn ngơ.


* * *


Quạ kêu nam đáo nữ phòng
Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương
Chỉ điều sao khéo vấn vươn
Mỗi người một xứ mà thương nhau đời!

Thương sao thương quá là thương
Gặp nhau bữa trước thương hơn bữa nào!

Thò tay ngắt cọng rau ngò
Thương Em đứt ruột giả đò ngó lơ!

Hòn đá lăn nghiêng
Em sửa cho lăn đứng
Hòn đá lăn chưa xứng
Em sửa lại cho lăn đẹp
Hòn đá lăn chưa đẹp
Em sửa lại cho lăn tròn
Giận Em nói vậy, trong dạ thật lòng thương Anh.

Ca Dao Về Tình Yêu 2

Ca Dao Về Tình Yêu

Đôi ta bắt gặp nhau đây,
Như con bò gầy gặp bãi có hoang.

Tình anh như nước dâng cao,
Tình em như giải lụa đào tẩm hương.

Đôi ta như lửa mới nhen,
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu.

Chim truyền cành ớt líu lo,
Sầu ai nên nỗi ốm o gầy mòn.

Còn đêm nay nữa mai đi,
Lạng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề.

Gió sao gió mát sau lưng,
Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này.

Nhớ ai con mắt lim dim,
Chân đi thất thểu như chim tha mồi.
Nhớ ai hết đứng lại ngồi,
Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân.

Xa xôi dịch lại cho gần,
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.
Chuồn chuồn mắc phải tơ vương,
Nào ai quán quýt thì thương nhau cùng.

Đôi ta thương mãi nhớ lâu,
Như sông nhớ nước, như nhành dâu nhớ tằm.

Con trai ngỏ ý với con gái

Ước gì anh hoá ra hoa,
Để em nâng lấy để mà cài khăn.
Ước gì anh hoá ra chăn.
Để cho em đắp, em lăn, em nằm.
Ước gì anh hoá ra gương,
Để cho em cứ ngày thường em soi,
Ước gì anh hoá ra cơi,
Để cho em đựng cau tươi, trầu vàng.

Đường xa thì thật là xa,
Mượn mình làm mối cho ta một người.
Một người mười chín đôi mươi,
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình.

Con gái ngỏ ý với con trai

Ước gì anh hoá ra dưa,
Để em đem tắm nước mưa chậu đồng.
Ước gì em hoá ra dơi,
Bay đi bay lại trên nơi anh nằm.

Con cuốc kêu réo rắt trên ngàn,
Gà rừng táo tác gọi con tha mồi.
Lạnh lùng thay láng giềng ơi,
Láng giềng lạnh ít, sao tôi lạnh nhiều.


Tiếc sự biết nhau quá chậm

Ngày đi, trúc chửa mọc măng,
Ngày về trúc đã cao bằng ngọn tre.
Ngày đi, lúa chửa chia vè,
Ngày về lúa đã đỏ hoe ngoài đồng,
Ngày đi, em chửa có chồng,
Ngày về, em đã con bồng, con mang.

Dế kêu cho giải cơn sầu,
Mấy lời em nói bạc đầu không quên.
Em đang dệt chiếu hồi văn,
Nghe anh có vợ, em quăng con chuồi.
Em đang bắc nước xôi xôi,
Nghe anh có vợ, quăng nồi đá vung.
Em đang vút (vo) nếp xôi xôi,
Nghe anh có vợ, thúng trôi nếp chìm.

Buổi thanh xuân thiếp chẳng gặp chàng,
Bây giờ năm con bảy cái ra đàng gặp nhau.

Bấy lâu lên ngọn sông Tần,
Muốn tìm cá nước phải lần trời mưa.
Tiếc công anh đắp đập be bờ,
Để ai quẩy đó, mang lờ đến đơm.


Trách sự sai lời nguyện ước

Mình nói dối ta mình chửa có chồng,
Để ta mang cốm, mang hồng sang sêu,
Ta sang mình có chồng rồi,
Để cốm ta mốc, để hồng long tai.
Ngỡ là long một long hai,
Ai ngờ long cả trăm hai quả hồng.

Hai ta đang nhớ đang thương,
Ai về phân quế, rẽ hương cho đành!
Hai ta đang nối dây dài,
Ai cầm dao sắc, cắt hai dây lìa.

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Hai tay rũ xuống như tàu chuối te
Tiếc công vun bón cây mè
Mè không có trái, chim mè đậu lên.
Tiếc công rày xuống, mai lên,
Mòn đàng dứt cỏ, không nên tự trời.
Tưởng rằng kèo cột ở đời,
Ai ngờ kéo rã cột rời tứ phương.
Ngày nào em nói em thương,
Như trầm mà để trong rương chắc rồi.
Bây giờ khoá rớt chìa rơi.
Rương long nắp vỡ bay hơi mùi trầm.


Nỗi ly biệt

Khăn thương nhớ ai,
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn vắt trên vai.
Khăn thương nhớ ai,
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai,
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai,
Mắt ngủ không yên.

Chim buồn chim bay về núi,
Cá buồn cá chúi xuống sông.
Người buồn ra ngõ đứng trông.
Ngõ thì thấy ngõ người không thấy người.

Hôm qua dệt cửi thoi vàng,
Sực nhớ đến chàng, cửi lại dừng thoi.
Cửi sầu, cửi nhục chàng ơi,
Ngọn đèn sáng tỏ bóng người đằng xa.
Ai về tôi gửi thư ra,
Gửi dăm câu nhớ, gửi vài câu thương.
Gửi cho đến chiếu đến giường.
Gửi cho đến tận quê hương chàng nằm.

Ca Dao Về Tình Yêu 1

Ca Dao Về Tình Yêu

Lỗ mũi mười tám gánh lông
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Một chờ, hai đợi, ba trông,
Bốn thương, năm nhớ, bảy tám chín mong, mười tìm.

Nghĩ xa rồi lại nghĩ gần
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ
Về đâu trong đục mà chờ
Hoa thơm mất tuyết , nương nhờ vào đâu
Số em giàu, lấy khó cũng giàu
Số em nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo
Phải duyên phải kiếp thì theo
Giàu ăn khó chịu, lo gì mà lo

Anh đi đường ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.

Nước non một gánh chung tình,
Nhớ ai ai có nhớ mình hay chăng?

Bến em có gốc dừa tơ,
Đêm trăng em đứng em chờ đợi ai.

Chàng về để áo lại đây,
Phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn.

Thương nhau mấy núi cũng trèo,
Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Bắc thang lên hái hoa vàng,
Vì ai cho thiếp biết chàng từ đây!

Chẳng tham vựa lúa anh đầy,
Tham năm ba chữ cho tầy thế gian.

Yêu nhau chẳng quản lầm than,
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi,
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than !

Ai về ai ở mặc ai,
Thiếp như sầu đượm thắp hoài năm canh.

Đêm đêm tưởng dạng Ngân hà,
Bóng sao tinh đẩu đã ba năm tròn,
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn,
Tào Khê nước chảy lòng còn trơ trơ

Cô kia cắt cỏ một mình,
Cho anh cắt với chung tình làm đôi.
Cô còn cắt nữa hay thôi,
Cho anh cắt với làm đôi vợ chồng.

Ai đi đâu đấy hỡi ai ?
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm.
Tìm em như thể tìm chim,
Chim bay biển Bắc, đi tìm biển Đông.

Cha mẹ anh có đánh quằn đánh quại,
Bắt anh ra treo tại nhành dương.
Biểu từ ai, anh từ đặng,
Chớ biểu anh từ người thương, anh không từ.

Còn đang chọn đá thử vàng.
Ngọc lành ai quẩy ra đàng bán rao.
Quan quan bốn tiếng thư cưu,
Mong người quân tử hảo cầu kết duyên.
Phấn son cho phỉ tấm nguyền,
Anh hùng sánh với thuyền quyên mới tình.
Phạt kha thơ ấy rành rành,
Phỉ môi bất đắc xin anh liệu lường.

Nhớ lời nguyện ước ba sinh,
Xa xôi ai có biết tình chăng ai ?
Khi về hỏi liễu Chương đài
Cành xuân đã bẻ cho ai một cành,
Có yêu anh thì bẻ quách cho anh.

- Bây giờ Mận mới hỏi Đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa.
- Mận hỏi thì Đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào !

Yêu nhau thì ném miếng trầu,
Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra.
Yêu nhau cau bổ làm ba,
Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười.

Anh đã có vợ hay chưa
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào
Mẹ già anh ở nơi nao
Để em tìm vào hầu hạ thay anh

Con trai ngỏ ý với con gái

Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em lượm thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, Mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy sang khâu cho dùm.
Khâu rồi anh sẽ trả công,
Mai mốt lấy chồng anh sẽ giúp cho.
Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo, một vò rượu tăm.
Giúp em đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi trằm em đeo.
Giúp em quan tám tiền treo,
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau !

Con gái ngỏ ý với con trai

Vào vườn hái quả cau xanh,
Bổ ra làm sáu, mời anh xơi trầu.
Trầu này têm những vôi tàu,
Giữa đệm cát cánh, hai đầu quế cay.
Trầu này ăn thiệt là say,
Dù mặn, dù nhạt, dù cay, dù nồng,
Dùng chăng nên đạo vợ chồng,
Xoi dăm ba miếng kẻo lòng nhớ thương !

Tiếc sự biết nhau quá chậm

- Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm-xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay !
- Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?

Trách sự sai lời nguyện ước

Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng,
Anh tiếc công anh gắn bó với cô nàng bấy lâu.
Bây giờ cô lấy chồng đâu ?
Để anh giúp đỡ trăm cau nghìn vàng :
Năm trăm anh đốt cho nàng,
Còn năm trăm nữa giải oan lời thề.
Xưa kia nói nói, thề thề,
Bây giờ bẻ khóa, trao chìa cho ai ?
Bây giờ nàng đã nghe ai,
Gặp anh ghé nón, chạm vai, chẳng chào ?

Nỗi ly biệt

Đôi duyên ta như loan với phượng.
Nỡ lòng nào để phượng lìa cây.
Muốn cho có đó có đây,
Ai làm nên nỗi nước này, chàng ơi !
Thà rằng chẳng biết thì thôi,
Biết chi gối chiếc lẻ loi thêm phiền.

Anh yêu em khác mọi người

Anh yêu em khác mọi người

Em bảo anh: “Xe đạp của em hỏng rồi, em phải đi bộ nửa tiếng đồng hồ mới đến nhà ga”. Em cứ tưởng là anh sẽ tỏ ra quan tâm và nói: “Sao em không đi taxi? Em có mệt không?” - Thế nhưng anh lại bảo: “Dù sao thì đường cũng gần thôi, và em cũng có dịp để giảm béo”.

Em bực mình, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng quan tâm em. Hôm sau khi ngủ dậy, em thấy trên bàn có chiếc chìa khóa xe đạp của anh và thức ăn bữa sáng thịnh soạn anh đã chuẩn bị sẵn cho em.

Em bảo anh: “Em muốn đi thăm Osaka và Hà Lan để thưởng thức biển hoa tươi ở đấy”. Em cứ tưởng anh sẽ tỏ ra quan tâm và nói: “Em muốn đi đâu cơ? Nào, chúng mình lên kế hoạch nhé. Dù là anh nói vài câu đãi bôi cũng được.” - Thế nhưng anh lại bảo: “Thật vô vị, bỏ ra một núi tiền đi thăm những nơi chán ngấy ấy để làm gì nhỉ?”.

Em tức lắm, cảm thấy anh không yêu em, không hiểu em. Về sau em thấy các tạp chí du lịch trong nhà mình dù là du lịch trong nước hay ngoài nước, cứ trang nào có giới thiệu về thưởng thức hoa, góc cuối trang ấy đều có vết gấp, trên trang ấy đều có ghi chú của anh.

Em bảo anh: “Tóc em rụng nhiều quá, thế mà bác sĩ bảo chẳng sao cả. Em thật sợ có ngày em sẽ trở thành một con hói”. Em cứ đinh ninh là anh sẽ an ủi em và nói: “Tóc em trông vẫn còn khá nhiều đấy chứ”. Nhưng anh lại bảo: “Thế đấy, bây giờ mới biết tóc em rụng lung tung khắp nơi, sàn nhà chỗ nào cũng thấy tóc em, bẩn ơi là bẩn”.

Em thấy đau nhói trong lòng, nghĩ rằng anh chẳng yêu em, chẳng để ý đến em. Về sau, em thấy trên sàn nhà càng ngày càng có ít tóc rụng của mình, em nghĩ là mình hết rụng tóc rồi, vì thế cũng chẳng lo lắng chuyện em sẽ trở thành một con hói nữa. Thế nhưng mấy hôm anh đi công tác vắng, em mới thấy trên sàn nhà có nhiều tóc hơn, trong thùng rác cũng thấy có một đống tóc bọc giấy báo.

Em bảo anh: “Hôm nay em đi chơi với mấy đứa bạn, tối nay về muộn đấy”. Cứ tưởng anh sẽ quan tâm hỏi em: “Đi chơi với ai thế? Đi đường cẩn thận nhé, nhớ gọi điện về nhà, hoặc về sớm một chút,…” đại loại những câu như vậy. Thế nhưng anh lại bảo: “Tùy em, chỉ cần em vui là tốt rồi”.

Em rất bực mình, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng quan tâm em. Đêm hôm ấy em giận dỗi 3 giờ sáng mới về, lúc vào nhà em trông thấy nét mặt buồn ngủ bơ phờ của anh.

Em bảo anh: “Đây là cái áo khoác em chọn cho anh, mua từ hồi đổi mùa năm ngoái, cất trong tủ đã một năm. Bây giờ mùa đông mới sắp đến, em tặng anh sự ấm áp này”. Cứ tưởng anh sẽ xúc động trả lời: “Cảm ơn em yêu của anh. Đây là sự ấm áp trong một mùa và cũng là kỷ niệm khó quên trong suốt đời anh”. Thế nhưng anh lại nói: “Chắc là em mua trong dịp các cửa hàng đại hạ giá chứ gì?”.

Em bực mình lắm, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng hiểu em. Về sau khi đến cuối tháng 5, hết rét, mùa xuân bắt đầu trở về, em vẫn thường xuyên trông thấy anh mặc cái em gọi là áo khoác tình yêu, anh cho là áo hạ giá ấy. Em nghĩ đi nghĩ lại, đếm đi đếm lại mới kinh ngạc nhận thấy là hầu như ngày nào anh cũng mặc cái áo ấy đi làm.

Em bảo anh: “Em thích ăn món mì nguội của nhà hàng ở góc phố bên kia”. Mới đầu em cứ tưởng là anh sẽ nói với em: “Thế thì ngày mai chúng mình cùng đi ăn nhé!” - Thế nhưng anh lại bảo: “Suốt ngày chỉ nghĩ chuyện ăn uống, sao em chẳng nghĩ xem hồi này mình có béo ra không”.

Em xót xa trong lòng, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng quan tâm em. Về sau em thấy anh hay mua nhiều loại tương vừng, tương lạc, lọ này hộp nọ, pha hết bát tương này đến bát tương khác cho em ăn.

Em bảo anh: “Em thật mừng là đã lấy anh, anh đúng là người chồng tốt nhất”. Cứ tưởng anh sẽ vui vẻ đáp: “Anh cũng thấy em là người vợ tốt nhất”. - Thế nhưng anh lại bảo: “Lấy nhau rồi chứ nếu chưa lấy thì em sẽ nghĩ thế nào nhỉ?”.

Em tức lắm, cảm thấy anh chẳng yêu em, chẳng hiểu em. Về sau em vô tình phát hiện thấy tối nào anh cũng lấy giấy vệ sinh lau chùi tấm ảnh cưới của chúng mình để ở đầu giường, lau xong rồi ngẩn người ra mỉm cười ngắm tấm ảnh ấy khá lâu.

Em nghĩ cuối cùng em đã hiểu ra, dưới vẻ ngoài không quan tâm của anh có một trái tim khó diễn tả bằng lời nói, một trái tim yêu em. Thì ra anh vẫn yêu em, chỉ có điều anh chẳng nói gì - đây là cách yêu của anh, khác với mọi người.

Có người nói, khi bạn ra đời thì đã có một mối nhân duyên thiên định sinh ra dành riêng cho bạn. Song biển người mênh mông, thế giới rộng bao la, đời người đau khổ mà ngắn ngủi, làm thế nào mới có thể tìm được mối nhân duyên thiên định dành riêng cho mình ấy? Làm cách nào để có thể tìm được người bạn đời hoàn mỹ đó? Con người hiện đại chẳng bao giờ có thể cố chờ đến cùng mối nhân duyên trời cho ấy, chẳng thể dùng tuổi thanh xuân chóng tàn lụi và tâm trạng lo lắng để nín thở chờ đợi, và thế là anh (chị) thường rất miễn cưỡng chấp nhận chị (anh) theo gió mà bay đến với mình, nhưng sau đó lại luôn luôn so sánh người ấy với người bạn đời hoàn mỹ để rồi thất vọng hết lần này đến lần khác. Họ không biết rằng, thực ra hiểu được cách quý trọng con người ở bên mình và mình đã sở hữu - đấy mới là niềm hạnh phúc lớn nhất, tình yêu chân thật nhất.

Nếu có một tình cảm bền vững lâu dài và một tình cảm vẻ ngoài hào nhoáng nhưng lại chóng phai tàn thì bạn muốn lựa chọn tình cảm nào? Thế gian này có vô vàn đàn ông xuất sắc và đàn bà xinh đẹp, song tình cảm thật sự thuộc về bạn lại chỉ có một mà thôi. Dù thế nào đi nữa cũng chớ có vì ánh mắt của người khác mà thay lòng đổi dạ, bỏ mất tình yêu chân thành. Nhất thiết không được sống trong ánh mắt của kẻ khác mà đánh mất chính mình. Cũng mãi mãi đừng có tham lam quá. Tình yêu không phải là giấc mơ, như một truyện hài kể: Nếu ai đó cho rằng trên thế gian này có tình yêu mười phân vẹn mười thì người ấy chẳng phải là nhà thơ thì cũng là kẻ ngớ ngẩn. Cho nên chúng ta hãy để tâm gìn giữ, chăm sóc tình yêu bình thường không có gì là ghê gớm của mình.

Các nhà triết học nói: “Tình yêu tức là khi bạn biết người ấy không phải là người bạn sùng bái, hơn nữa rõ ràng còn có các khiếm khuyết này nọ, nhưng bạn vẫn cứ chọn người ấy, không vì các khiếm khuyết đó mà chối bỏ toàn bộ con người ấy.” Đúng thế, không có một người yêu nào mười phân vẹn mười cả, cũng không có tình cảm nào không có chút tì vết, đó chính là người yêu và tình yêu đích thực. Đến bao giờ ta mới có thể bình tâm suy ngẫm về những lời nói ấy, nghĩ một chút về sự nực cười và ngây thơ của ta năm nào cố công theo đuổi một người tình hoàn mỹ?

Nếu có một người mà trong mắt bạn, người ấy không có khiếm khuyết gì hết, bạn kính sợ người đó nhưng lại khát khao muốn được gần gũi người đó, tình cảm ấy không gọi là “tình yêu” mà gọi là “sùng bái”. Khi đã sùng bái thì phải tạo ra một thần tượng, giống như loại tô-tem, một thứ không máu không thịt. Tình yêu không cần thứ đó. Tình yêu là cái rành rành trước mắt có thể lấy tay chạm vào, dùng con tim để lĩnh hội.

Yêu là khi biết rõ ràng người ấy ăn mặc luộm thuộm mà bạn vẫn bằng lòng cùng người đó xuất hiện trước đám đông; là khi bạn coi khinh nghề buôn bán mà người ấy lại vẫn cứ là một tiểu thương đáng yêu của bạn; là khi bạn vốn có tính quá ưa sạch sẽ mà lại cam chịu rửa hộp cơm nhầy nhụa mỡ hoặc giặt đôi giày thể thao hôi hám của người ấy.

“Anh không phải là người xuất sắc nhất, nhưng em chỉ yêu một mình anh mà thôi!”. Khi đọc câu ấy, ta có cảm giác như mường tượng thấy một đôi bạn đời từng trải qua muôn vàn sóng gió của cuộc sống đang nắm tay nhau thong thả dạo bước dưới ánh nắng ấm áp, nét mặt tràn trề hạnh phúc ôn lại quãng đời đã qua. Chuyện cũ đã xa rồi mà kỷ niệm xưa vẫn còn đấy mãi mãi…

Yi Ming (Trung Quốc)

Hoathuytinh.com

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2007

Ví Dụ Ta Yêu Nhau




Ví Dụ Ta Yêu Nhau


Sáng tác: Đoàn Vị Thượng

Ví dụ anh chờ em được không
Bên đường, sẽ đứng tựa cây thông
Em có khi nào quên đội nón
Đứng cạnh anh che bớt nắng hồng

Ví dụ anh theo, thử đến nhà
Cũng ngồi xem báo cũng giống như ba
Sẽ đọc em nghe tin thời sự
Hay la ngâm mấy đoạn thơ ca?

Ví dụ anh ngồi lâu được không
Ngồi hoài, như tảng đá rêu phong
Chớ tưởng tay em là yếu đuối
Chạm thử anh lăn được mấy vòng

Ví dụ hai mình ra phố chơi
Vào quán cà phê kiếm chỗ ngồi
Nhạc ồn em nói nghe không rõ
Mình cúi vai gần như lứa đôi.

Ví Dụ Ta Yêu Nhau




Ví Dụ Ta Yêu Nhau

Sáng tác: Đoàn Vị Thượng

Ví dụ anh chờ em được không
Bên đường, sẽ đứng tựa cây thông
Em có khi nào quên đội nón
Đứng cạnh anh che bớt nắng hồng

Ví dụ anh theo, thử đến nhà
Cũng ngồi xem báo cũng giống như ba
Sẽ đọc em nghe tin thời sự
Hay la ngâm mấy đoạn thơ ca?

Ví dụ anh ngồi lâu được không
Ngồi hoài, như tảng đá rêu phong
Chớ tưởng tay em là yếu đuối
Chạm thử anh lăn được mấy vòng

Ví dụ hai mình ra phố chơi
Vào quán cà phê kiếm chỗ ngồi
Nhạc ồn em nói nghe không rõ
Mình cúi vai gần như lứa đôi.

Aoi Usagi - Chú thỏ ngọc bích




Aoi Usagi - Chú thỏ ngọc bích

Biểu diễn: Noriko Sakai

Atodore kurai, setsunaku nareba, anata no koe ga, kikoeru kashira,
nanigenai kotoba o, hitomi mawasete, tadashizukani, kawaseru dakede ii
hokani wa nan ni mo iranai.

Aoi usagi zutto matteru hitori kiride furue nagara sabishi suggite shinde shimauwa
hayaku atatamete hoshii

Atodore kurai kizutsuita nara, anata ni tadori tsukeru no kashira,
arai tate no shyatsu no nioi ni dakisukume raretara itami mi kanashi mimo
subete ga nagarete kieruwa

Aoi usagi naite iru no yo sou anata ni kikoeru you ni tatoe zutto todoka nakutemo
eien ni aishite iru wa

............fu...........

Aoi usagi sora o kaketeku kokoro terasu hikari hanachi ai no hana ni yume o furimaki
ashita heto ah...

Aoi Usagi inori tsuzukeru doko ka ni iru anata no tame ima
no futari tsukueru mono wa kitto shinji tsudake dakara


Lời dịch: G.Panda


1.Em sẽ phải đau đớn đến bao giờ
Mới có thể nghe lại giọng nói anh?
Đừng nói những lời vu vơ
Anh hãy im lặng nhìn vào mắt em
Với em chỉ vậy là đủ.
Chorus:Chú thỏ màu xanh vẫn mãi đợi chờ
Mình em run rẩy,cô đơn héo hắt
Mau cho em xin vòng tay anh ấm áp.

2.Em sẽ chịu nỗi đau đến bao giờ
Mới tới được bên anh?
Nếu được vùi mình trong mùi áo anh mới giặt
Sẽ tan biến đi tất cả buồn bã,tất cả khổ đau
Chorus:Chú thỏ mau xanh đang nói gì
Anh nghe thấy chăng
Dù vĩnh viễn em không thể đến bên anh
Vẫn luôn yêu anh mãi.
Chorus:Chú thỏ màu xanh đã bay lên bầu trời
Toả ánh sáng vào trong trái tim em
Phủ giấc mơ lên những bông hoa tình yêu
Và chờ đến sớm mai này....AH....
Chorus:Chú thỏ màu xanh đang nguyện cầu
Cho anh dù anh đang ở phương trời nào
Bởi chỉ có tấm lòng chân thật

Dress of Mirror - Chiếc váy thuỷ tinh




Dress of Mirror - Chiếc váy thuỷ tinh

Biểu diễn: Noriko Sakai

Totsuzen naki dashite, anata o omaraseta, daite kureru no ni obiete ita.
Shyoindo no nakano, warawanai manekin, honto no watashi ni, hayaku kizuite.

Ashita no bun no namida o, kyo nagashite shimaeba ii, nishi no kawa o tsukuri agete anata ga tadori tsuku you ni

* Umare kawatte mo, anatao sagaseruwa, annaku no hoshi boshi ga oshi ete iru
........( fu )........

Hadaka no watashini, yuki ga mai oritu tadasore ga watashi no kagami no doresu
Ashita no bun no omoi wa, kyo tsutaete shimaeba ii, naite naite zutto naite, anata ga tadore tsuku yuo ni

( music )
..............ikuseru no inori

Ashita no bun no namida o, kyo nagashite shimaeba ii, korona ni notta anata atashi ni tadori tsuku you ni
Ashita no bun no omoi wa, kyo tsutaete shimaeba ii, naite naite zutto naite, watashi ni tadari tsuku made



Lời tiếng Việt

Những giọt nước mắt cho ngày mai, hôm nay hãy chảy hết
Như tặng riêng cho anh giải ngân hà
Anh bõ công tìm kiếm
Dù được sinh ra lần nữa em cũng cất công tìm

Những ngôi sao chỉ đường trong đêm tối
Những bông tuyết rơi lất phất quanh em, đó mới là chiếc áo của riêng em
Những suy nghĩ phần ngày mai hôm nay hãy đi hết
Khóc mãi, khóc mãi, em cứ khóc mãi
Như tặng riêng cho em giải ngân hà
Hẳn là lời hát
Những giọt nước mắt cho ngày mai hôm nay hãy chảy hết
Như anh luôn tìm kiếm
Những suy nghĩ phần ngày mai hôm nay hãy đi hết
Khóc mãi, khóc mãi, em cứ khóc mãi
Đến khi anh tìm được em...

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2007

Noriko Sakai

There are only 2 kind of man in this world, one is fan of Noriko, and other will...
(More on http://www.petalia.org/Aya/index.htm)


Đôi Mắt Hình Cánh Phượng.

Đôi Mắt Hình Cánh Phượng

(Tuyển Tập Truyện Ngắn Con Trai Cũng Biết Khóc)

Tác Giả: Ngân Hoàng

Tôi đi dạo một vòng quanh trường nội trú mới. Dừng chân bên một góc cây phượng còn một vài chùm hoa ở góc sân, tôi nhìn lên một lúc thì nghe tiếng nói từ phía sau lưng. Giật mình.

- Ðịnh trèo lên hái phượng à?

- Ðâu có... tôi... tôi...

- Hay chú muốn tìm ai?

- Không... chú... anh... vào trường chơi một chút đó mà.

Cô bé nhìn tôi từ đầu đến chân dò xét. Một lúc cô bé nói:

- Nhìn anh không phải là người tốt... í, lộn người xấu. À, anh học lớp mấy vậy?

- Theo nhỏ thì tôi học lớp mấy?

- Lớp 10 là cùng!

- Còn nhỏ? - Tôi hỏi lại.

- Lớp 9.

- Vậy mà tôi cứ tưởng nhỏ học lớp 12 chớ! - Tôi kê tủ đứng lại.

- Anh... chú... ông...

- Gì vậy nhỏ? Thôi tôi đi nghen. Bye!

Tôi rảo bước trở về phòng mình. Ðêm ấy trong giấc mơ tôi thấy ánh mắt giận dữ của cô bé sắc như lá sậy ở quê tôi.

Những giây phút lạ trường, lạ lớp, lạ bạn bè, thầy cô ban đầu không còn nữa. Tôi vào học ngay cái lớp giống như "lạc vào Tây Lương nữ quốc", tỉ số trong lớp gồm 24 nữ và 11 nam.

Một hôm, lớp tôi kiểm tra một tiết tập trung toàn khối vào tiết thứ năm nên ra trễ. Vừa đi xuống thang lầu thì gặp cô bé với một xâu chìa khóa trên tay, tôi nói:

- Chào nhỏ.

Cũng với ánh mắt dò xét như lần đầu, cô bé nói:

- Ông anh là ai vậy?

- Bộ nhỏ không nhớ tôi hả?

- Hông. Ba em nhốt mấy người đi trễ ở ngoài nhiều lắm. Mỗi lần như thế họ đều năn nỉ em mở cửa cho vào. Nhiều người lắm em hổng nhớ đâu.

- Tôi chưa hân hạnh được nhỏ mở cửa cho đi vào trường vì tội đi trễ. Nhỏ không nhớ tôi thật sao?

- Thật mà - Cô bé khẳng định.

- Tôi là cái chú... anh... ông... bữa kia đó.

- À, thì ra là vậy.

- Trí nhớ của nhỏ kém thật!

Tôi nghĩ là cô bé sẽ phản ứng lại trước câu trêu chọc của tôi, nhưng không. Cô bé chậm rãi nói:

- Mỗi lần gặp ông anh đều để lại cho em ấn tượng khó quên.

- Thật không?

- Thật. Lần trước gặp ông anh em vừa giận vừa tức... cười cho một anh chàng ngổ ngáo.

- Rồi làm sao hết giận và tức? - Tôi hỏi.

- Ăn. Ăn là một biện pháp hữu hiệu nhất để giải tỏa nỗi buồn.

- Câu nói hay nhất trong tháng! Chiều nay mời nhỏ đi ăn bún cua nha.

- Rất tiếc bây giờ em không buồn. - Cô bé nhún vai - Bây giờ em phải đi khóa tất cả các lớp lại.

- Thì ra nhỏ là con chú Sáu bảo vệ à?

- Ðúng.

- Tôi sẽ giúp nhỏ khóa hết các lớp học. Sau đó chúng ta sẽ đi ăn bún cua. Nhỏ đừng nghĩ là ta buồn nhưng cái bao tử của chúng ta thì hình như đang buồn.

- Em chịu thua ông anh luôn. - Cô bé vừa lắc đầu vừa cười.

Ðến bây giờ tôi mới biết tôi và cô bé cùng cư ngụ trong "khu vực" của trường. Nhà chú Sáu bảo vệ - ba cô bé - nằm ở một góc sân. Trước cửa một bên là cây phượng già cỗi, một bên là cái giá treo một cái trống lớn. Cô bé đề nghị tôi để gạo và đồ ăn bên nhà để nấu giùm tôi luôn. Mỗi bữa cơm tôi chỉ qua phụ dọn rồi cùng ăn với cô bé và chú Sáu. Một hành động đẹp, dại gì tôi không chấp nhận (!)

Cái tin tôi quen thân với cô bé nhanh chóng lan ra trong lớp. Bọn con trai thường đi trễ nhìn tôi với ánh mắt cảm phục nửa như van lơn. Từ lâu cô bé được mệnh danh là "cô bé tim đá", bởi vì một lẽ đơn giản bất chấp mọi lời van xin, cô bé không bao giờ mở cổng cho những học sinh đi trễ vào trường.

Một buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, tôi phụ cô bé rửa chén ở sau nhà. Tôi hỏi:

- Nhỏ chấp nhận lời rêu rao và biệt danh là "cô bé tim đá" à?

Cô bé im lặng, chỉ có tiếng nước xối mạnh hơn.

Tôi hỏi tiếp:

- Tại sao nhỏ không trả lời?

- Ông anh lúc nào cũng chỉ biết đặt câu hỏi cho người khác. Có những câu hỏi mà ý nghĩa của chúng chính là ở chỗ không có câu trả lời. Ông anh hiểu chứ?

- Hơi... hơi hiểu.

- Mọi người nghĩ về em thế nào em không ngại. Chỉ sợ... ông anh nghĩ xấu về em thôi.

- Không bao giờ.

- Em không tin.

Tôi đưa tay lên trời định thề một câu để cô bé tin, nhưng cô bé ngăn lại:

- Những người hay thề thốt thường giả dối.

- Nhưng tôi thì ngược lại.

- Em không tin. Ông anh có khi lại gấp đôi những người đó.

Nói xong, cô bé ném về cho tôi một nụ cười lém lỉnh. Tôi với tay hái một trái chùm ruột gần đó đưa lên nói:

- Nụ cười của nhỏ đẹp như... trái chùm ruột này.

- Ðó là trái chùm ruột chua mà.

- Mặc kệ, chua mà ngọt chứ đừng ngọt mà chua.

Tôi quăng trái chùm ruột lên cao đưa miệng hứng lấy. Thấy vậy, cô bé nhăn mặt.

- Chua quá!

Khoảng nửa tháng tôi về thăm quê một lần. Thường thì sáng thứ hai vừa lên tới, tôi để đồ trong phòng rồi chạy vội lại nhà cô bé. Căn nhà đóng cửa. Gặp một thầy giám thị đi ngang, tôi hỏi:

- Chú Sáu đi đâu mà đóng cửa vậy thầy?

- Hình như con chú ấy bệnh tối qua chở vô nhà thương rồi. À tới giờ đánh đổi tiết, để thầy vô đánh trống.

- Dạ, cám ơn thầy.

Tôi chạy vội qua bệnh viện. Ði vòng vòng tìm một lúc không thấy, tôi định trở về, chợt thấy chú Sáu từ dãy hành lang đằng xa đi ra. Tôi mừng rỡ chạy lại:

- Chú Sáu.

- Minh hả con. Con nhỏ tối qua bị bệnh...

- Nhỏ nằm phòng nào vậy chú?

- Kia kìa. Con vô thăm nó đi. Chú ra ngoài xin miếng nước sôi.

- Dạ.

Cô bé đang ngủ, khuôn mặt cô bé khi ngủ nhìn thánh thiện làm sao. Lúc này tôi mới chú ý, cô bé ốm nhiều và xanh xao thấy rõ. Tôi không dám gây tiếng động mạnh sợ cô bé thức giấc. Một lúc lâu, cô bé trở mình. Giường bên cạnh có tiếng ho lớn làm cô bé thức giấc. Mở mắt ra thấy tôi, cô bé tỏ ra vui mừng:

- Em tưởng đâu không còn gặp lại ông anh nữa chớ.

- Sao vậy?

- Tự dưng em ngất xỉu, tỉnh dậy thấy nằm trong đây.

- Bây giờ cảm thấy thế nào rồi?

- Em cảm thấy khỏe nhiều rồi.

- Vậy thì tốt.


*


Mới đó mà đã ba năm rồi! Một mùa hoa phượng nữa lại tới. Tôi đang tất bật ôn thi. Cô bé thì dạo này hay trở bệnh lắm. Căn bệnh tim của cô bé nếu chữa trị khỏi phải rất tốn kém. Nhưng với số tiền lương khiêm tốn của cha cô bé, liệu có thể đủ không?

Tôi phải tìm cách giúp đỡ cho cô bé.

Thế rồi kỳ thi tốt nghiệp, tôi cũng đã thi xong.

Tôi chia tay cô bé lên thành phố thi Ðại học. Ðêm ấy, chúng tôi đã ngồi rất lâu dưới gốc cây phượng trước nhà cô bé. Cả hai đều lặng im bởi có lúc âm thanh là vô nghĩa. Mấy con ve trên cành thi nhau hòa âm những khúc nhạc buồn. Tôi quay qua vuốt tóc cô bé:

- Cố gắng giữ sức khỏe nghen nhỏ.

- Ông anh cũng vậy nha!

- Ừ.

Thế rồi cả hai lại im lặng. Ðến khi tôi đứng dậy chuẩn bị về, tôi nắm lấy tay em nói:

- Ðợi anh về nha. Anh sẽ chữa khỏi bện cho nhỏ.

Trong đêm, hai ánh mắt của cô bé như hai vì sao sáng. Hai vì sao ấy đang lung linh. Không, cô bé đang khóc, chẳng biết cô bé khóc vì sao? Vì bệnh của mình hay là vì lời hứa của tôi? Tiếng ve trên cành như ngừng lại trước câu nói của cô bé:

- Vâng, em sẽ đợi anh.

Chỉ chờ có vậy, mấy con ve trên cành lại tiếp tục làm nhiệm vụ của nó. Ðôi mắt của cô bé lúc này sao giống như hai cánh phượng vĩ tròn và to. Tôi biết, đôi mắt ấy sẽ chắp cánh cho ước mơ của tôi sớm thành sự thật.

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2007

Lời bác dặn trước lúc đi xa

Lời Bác dặn trước lúc đi xa

Sáng tác: Trần Hoàn


Chuyện kể rằng trước lúc Người ra đi, Bác muốn nghe một câu hò xứ Huế. Nhưng không gian vẫn bốn bề lặng lẽ, Bác đành nằm im.

Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví, nhớ làng Sen từ thuở ấu thơ, mà xung quanh vẫn lặng như tờ. Bác chờ mãi, chờ mãi không thôi.


Bác muốn nghe một câu hò Huế bởi nước non chia cắt vẫn chưa liền.
Bác muốn nghe một câu hò xứ Nghệ, bởi làng Sen day dứt trong tim.
Bác muốn nghe một đôi khúc dân ca, trước lúc đi xa qua bên kia bầu trời.
Người muốn đem tận vô cùng, bài ca đất nước theo Bác đến mênh mông.


Lần thứ ba, Bác vẫy gọi xung quanh. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ. Ôi may sao bỗng có em gái nhỏ, bước vào, gần Bác.
Rồi căn phòng xao động trong nước mắt. Những lời ca nức nở, tái tê rằng: "Người ơi, người ở đừng về..." Bác nhìn em, rơm rớm hàng mi.


Bác muốn nghe một câu hò Huế hoặc muốn nghe câu hát dặm quê nhà. Bác muốn nghe một đôi làn quan họ bởi bài ca đất nước sao quên.
Lúc chia ly, lời di chúc đơn sơ, Bác muốn non sông đinh ninh lời hẹn thề: "Rằng đã yêu tổ quốc mình, càng yêu tha thiết... những khúc hát dân ca".


Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa. Chuyện kể rằng trước lúc người đi xa...

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2007

Câu Hát Tìm Nhau

Câu Hát Tìm Nhau
(Quế Hương)


Tôi gặp lão lần đầu trong quán thịt chó của bà Tư béo, nơi tôi đến bỏ rượu gạo hàng chiều sau giờ đi làm. Lão xuất hiện với bộ dạng một người lỡ đường, tay bị, tay mũ cối, gương mặt rỗ hoa lấm tấm bụi đường và mồ hôi. Tưởng lão là người ăn xin, bà Tư đuổi như đuổi tà:

- Đi ra! Để người ta bán, đừng có hãm tài.

- Thưa bà, tôi không xin. Tôi tận Hà Bắc vào đây tìm người quen. Bà cho tôi hỏi... bà có biết người này.

Lão chìa ra mảnh giấy bọc ép nylon như thẻ căn cước, ghi dòng chữ: Hai Xuân, người Bắc Ninh, có chồng tên Tuất. Sau 1975 có người gặp sinh sống ở Đà Nẵng.

- Mơ hồ thế có trời biết! Không đường, không số nhà... Già rồi lẩm cẩm. Con cháu sáng suốt không sai đi tìm. Thôi đi chỗ khác. Đây cũng là dân ngụ cư thôi! Không biết!

Bà chủ quay ngoắt, dềnh ngang bộ mông núng nính đi vào bếp. Lão lẩm bẩm:

- Cả tuần nay... hỏi ai cũng trả lời chừng đó!

Thương hại lão, tôi gợi chuyện:

- Thế bà Xuân người như thế nào?

- Cô ấy người dong dỏng. Trắng tươi. Hát hay. Xinh đẹp.

Bàn thịt chó bên cạnh lập tức nhao lên:

- ồ ! Cháu lão hả? Bao nhiêu tuổi? Để tụi này tìm giúp coi có “xơ múi” chi không?

- Cô ấy thua tui một tuổi?

Cái quán ven đường bỗng òa vỡ tiếng cười. Tiếng đập bàn, la ó, huýt gió, hô hố... náo loạn.

- Thế thì "cố" chứ "cô" gì! Làm tụi này tưởng bở bố ạ! Cỡ ấy ra nghĩa địa tìm dễ hơn.

- Mà cố Xuân là gì của lão? - Gã để râu xồm xoàm vừa nhai vừa hỏi.

- Xưa cô ấy là bạn hát quan họ của tôi.

- Lão vượt đường dài ở tuổi này để tìm một bạn hát xưa già khú đế à?

- Vâng.

- Trời ơi... là trời... ở mô rớt xuống ông ngố đa tình như ri hở trời! - Gã giọng Huế cùng bàn cúi gập người rên giữa một tràng cười. Còn lão điềm tĩnh, kiên định hỏi tiếp:

- Mua bản đồ thành phố ở đâu mấy chú?

- Thôi lão ơi, có khát tợp ít ngụm rồi mua vé về nhà nằm nghỉ. Kiếp sau yêu cho dài ngày rộng tháng.

Rồi để thưởng câu nói mà gã tự cho là ý vị ấy, gã để râu ngửa mặt lên trời, ném điệu nghệ một miếng dồi chó vào miệng, nhai nghiến ngấu, tợp một ngụm rượu, khà một tiếng khoái trá.

- Ngoài tôi, chỉ có món xào và rựa mận là để bát đĩa. Còn các món khác đựng trong lá tất... Ăn bốc mới đúng điệu. - Đột ngột lão góp ý.

- Coi bộ cũng là dân nghiện mộc tồn.

- Phải thật thoải mái, không cần giữ ý tứ. Bữa ăn phải đượm mùi hoang sơ của những người lục lâm tứ chiếng.

- Mở đầu được đấy ! Mần ly rượu nói tiếp đi!

Câu chuyện xoay quanh chó: cách chọn chó, nấu chó, ăn chó... Lão sành đến nỗi những cái mặt đỏ gay, những cái miệng bóng nhẫy đều quay về phía lão hóng chuyện. Cái mông núng nính của bà Tư cũng yên vị trên chiếc ghế dựa hồi nào. Bà chủ đang há hốc miệng nghe lão bày cách chế biến từ bảy món cầy cơ bản thành mười món hoặc hơn nữa. Lạ là lão sành món “hương nhục” đến thế lại từ chối động đũa vào đĩa chó. bà Tư đích thân bưng đến đặt trước mặt lão để mong thụ giáo. Lão giải thích hễ lão cầm đũa là phải ăn no mới thôi. Cái thứ này hễ ăn là say, ăn mãi... ăn thì phải đúng điệu với bạn tri ân để say còn khóc cười cho hả...

- Khách của tui đủ giới, ở khắp thành phố này - bà chủ lên tiếng - Dò tìm một cố Xuân nói giọng Bắc, vấn khăn, cao dong dỏng, biết hát quan họ không phải là khó. Tui sẽ nhờ anh em... sẽ để lão ăn thịt chó thỏa thuê không lấy tiền... với điều kiện lão giúp tôi tiếp khí sắc cho quán. Dãy này bốn quán... phải có ngón nghề đặc biệt mới kéo khách về mình...

Quán thịt cầy của bà Tư béo từ độ có lão bỗng đông khách hẳn. Thịt bao giờ cũng lớn bùi, bé mềm, cả tơ cả cứng cho đủ vị cuộc đời. Lá sen, lá dong riềng, lá chuối được thay đĩa men. Quán có đến mười hai món “hương nhục”, thơm điếc mũi. Buổi tối quán tắt đèn điện thắp đèn cầy ăn thịt cầy... âm âm u u thế mà gọi mời đáo để. Những câu chuyện về đời, về chó của lão dưới ánh nến bao giờ cũng khiến khách ăn cảm thấy bữa rượu thịt đậm đà. Bữa nào lão không tới, họ lại ăn uể oải đòi lão có mặt. Bọn họ gọi lão là "lão Tầm Xuân". Cái quán ven đường rôm rả hẳn lên khi ông lão mặt rỗ hoa, ăn mặc nhếch nhác bước vào. Họ hát ong ỏng đón lão:

“Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc. Em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay. Già rồi tiếc vẫn chưa nguôi. Xắn quần anh lội suối, khòm lưng anh vượt đèo...”.

Có hôm, men rượu không giải được nỗi sầu vô vị, họ lại đem lão ra giải buồn. Họ đổi những tin “dỏm” về cố Xuân bằng những câu chuyện của lão hoặc một cú tẩm quất sướng ê người. Nếu quán vắng khách, họ nằm ườn ngay trên nền quán, ưỡn tấm thân trẻ trung rã rời cho lão tẩm. Xương bật giòn tan, còn bọn họ lè lưỡi: “Hồi trẻ, lão phải vật trâu!”

- Hồi trẻ, tôi giật đến hai giải thi vật - Hứng chí lão khoe.

- Thế mà không vật nổi cô Xuân dong dỏng, trắng tươi, hát hay xinh đẹp.

Cả bọn cười ồ còn lão bỗng tiu nghỉu. Lão ngừng đấm hỏi:

- Lần này "dỏm" không đó?

- Dỏm 50%. 50% có thể thật. Đứa nào nói dối 100% hộc bia ra ngay.

Chân dung cố Xuân thay đổ xoành xoạch. Khi thì cố Xuân ở tận bên làng biển An Hải, mù vì khóc lão. Khi thì ở trên Hòa Khánh, điếc đặc. Khi thì ở tận Hòa Cường, suốt ngày ho sù sụ...

Có lúc bọn trẻ kéo vào quán một bà già nghễnh ngãng, ré lên: "Lão Tầm Xuân ơi, cố Xuân đây nè!". Bà già chửi te tua còn bọn chúng cười hô hố. Chỉ có lão không nói một lời. Tôi có cảm tưởng có cái gì nặng hơn chiếc lá khô vỡ tan tành trong lòng lão. Ôi lão Tầm Xuân! Lão tìm trong cuộc đời nước chảy mây trôi như một hình bóng của ký ức thì tìm sao đặng? Những cuộc "gặp" ấy để lại trong lòng lão dư vị cay đắng. Lão ngồi uống rượu suông, mắt mờ đục như có khói và lão hát. Dĩ nhiên không phải để cho chúng tôi nghe! Lão hát hay lắm. Hay đến nỗi có lần tôi phải chở vợ đến nghe. Nàng đứng ở ngưỡng cửa nghe lão hát bài ruột: "Khi tương phùng, khi tương ngộ. Xuôi lên bộ, văng vẳng tơ tình. Chiêm bao lần chẵn năm canh. Bao lần anh ngồi tựa trăng thanh. Thương nhớ sâu oanh. Lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ gặp mặt sánh đôi. Suốt năm họa là. Duyên bén ngãn, văng vẳng tơ tình. Trước không phải, sau đền duyên ba sinh".

Khó tưởng tượng một giọng hát say đắm ngọt ngào dường kia lại thoát ra từ một lồng ngực hom hem phô những giẻ sườn. Vợ tôi bảo không phải lão hát mà tình yêu lão hát. Nàng có đôi chút học vấn để nhận xét: đằng sau vẻ ngù ngờ, xấu xí, già nua kia là một trái tim thực có một cô Xuân dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp trên đời. Cô Xuân ấy không bao giờ già, không bao giờ xấu, không bao giờ chết trong lão!

Sau lần nghe lão hát và những câu chuyện tôi kể về lão, vợ tôi bỗng trở nên “ái mộ” lão. Nàng bảo tôi chở lão đến nhà chơi rồi lão trở thành khách quen thuộc của cả nhà. Họ cũng bị lão “mê hoặc” như cả quán cầy tơ của bà béo. Lũ con tôi quý lão vô cùng. Lão bày chúng hát nghêu ngao những bài quan họ. “Sớm đi chơi hội, tối về quay tơ. Dải yếm phất phơ. Miếng trầu, mồi mốc. Miếng ăn, miếng buộc. Miếng gối đầu giường. Muốn tìm người thương. Tìm đâu cho thấy?”... Lão cho chúng những đồ chơi thật ngộ - những con vật bằng lá dừa biết ngúc ngắc, con gà trống bằng đất sét lòe loẹt xanh đỏ tím vàng kẹp chiếc kèn lá có thể cất tiếng gáy... Bếp nhà ấm áp khi có lão. Lão nếm rượu chính xác như đo, hàn giúp cái xoong, cái nồi rất khéo. Lão mơ màng kể cho chúng tôi nghe những ngày hội Lim, những liền anh áo the khăn xếp, liền chị thắt lưng hoa lý, yếm đào con nhạn, mắt lá răm lúng liến hát thâu đêm. Tôi ngồi nghe lão tả những làn điệu quan họ đắm say miên man dìu dặt và yêu cầu lão hát nhưng thường lão lắc đầu. Lão bảo hát quan họ phải có đôi, có bạn, có chỗ. Ký ức lão còn giữ nguyên vẹn những ngày hội quê lão: Hội làng, Hội Xuân, Hội mùa... Trai thi mạnh, gái thi mềm. Thi hoa, thi vật, kéo co, hát chèo, nấu cơm, đánh đu, cờ người...

- Lão gặp cố Xuân ở những ngày hội đó à?

- Vâng. Đó cũng là ngày hội quan họ, cả vùng như ngấm men say, phát cuồng vì hội lễ. Năm ấy anh cu Rỗ là tôi tròn 18 tuổi, được cử vào bọn quan họ làng để luyện giọng thi hát với bọn quan họ làng bên kia sông. Nhà tôi ba đời hát quan họ. Tôi luyện trên dưới 200 giọng, thế mà khi hát đôi với cô ấy tôi run. Tâm hồn tôi lơ lửng không đặt hết vào lời. Cô ấy là tiên quan họ. Ngày xưa cô Tấm cũng đẹp thế là cùng! Giọng hát sóng sánh. Mắt đen lóng lánh. Môi cắn chỉ đỏ thắm. Cần cổ như cuống hoa huệ... Tôi say, say lời hát, say cô ấy, quên cả ngón ruột phải tung ra vào phút chót để thắng dứt điểm. Cuộc thi kéo dài đến ba ngày. Tiếng trống dứt mới giật mình ngơ ngẩn. Dĩ nhiên tôi thua...

- Đa tình thế sao không lấy?

- Lệ quan họ những đôi trai gái đã kết bạn quan họ không lấy nhau. Tình yêu có nảy sinh thì cũng gửi thương gửi nhớ qua lời hát. Kết nghĩa quan họ như kết nghĩa anh em, được cha mẹ hai bên, dân hai làng chấp nhận. Tình bạn ấy chân thành, thủy chung, thắm thiết không chỉ đời mình mà có khi còn đến đời sau. Làng tôi có nhiều cặp quan họ khi đầu bạc răng long, tình yêu trong câu hát xưa vẫn không tàn. Có dịp gặp nhau trên chiếu quan họ, họ lại sống lại thời xuân sắc. Anh em kết nghĩa quan họ gặp nhau “xuân thu nhị kỳ”, đến thăm nhau, ăn uống, vui chơi, ca hát với nhau. Mỗi bên có chuyện vui buồn đều tổ chức đi lại thăm viếng. Tôi nhận ra một điều: người ta có thể cho nhau niềm hạnh phúc to lớn biết dường nào và chẳng lần nào giống lần nào... Rồi cô ấy cũng phải đi lấy chồng. Bọn quan họ chúng tôi đến chia vui. Tôi đau lòng hát miên man...

Mắt lão bỗng mơ màng xa vắng. Rồi một giọng hát trẻ trung đằm thắm da diết cất lên: "Ăn quả nhãn lồng. Ước sao người ấy tôi bồng trên tay...”. Không phải lão Tầm Xuân tóc bạc da mồi hát mà anh cu Rỗ tóc đen như mun, da mầu đồng, có giọng hát Trương Chi hát! Cô ấy hiểu lòng tôi, chú ạ! -

Lão lại ngưng hát, kể: Tôi hát bài "Khi tương phùng, khi tương ngộ" ngang nửa bài thì cô ấy xen ngang, hát tiếp: "Bạn tình ơi! Em biết đến bao giờ họp mặt sánh đôi... Trước không phải, sau đền duyên ba sinh". Chúng tôi cắt câu quan họ làm đôi, mỗi đứa giữ một nửa. Hẹn kiếp sau chắp lại.

Sau đó là chiến tranh... nạn đói... Câu quan họ tan tác trăm phương. Tôi vào Vệ quốc quân, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, khi hòa bình lập lại, tôi về làng thì nghe cô ấy đã theo chồng... nghe nói vào Nam.

Rồi tuổi già đến. Già buồn lắm chú ạ! Cô đơn và bất lực. Chết không đáng sợ bằng tuổi già. Sống đến đó, người ta mới nếm tận cùng chén đắng cay của đời. Tôi sợ hình ảnh ông hàng xóm ngày nắng được bế cả người lẫn chăn ra hong nắng. Nắng rực rỡ đọng thành từng vũng quanh ông ấy, còn ông ấy nhăn nhúm trong cái chăn rách... Tôi có cảm tưởng ông được đem phơi cho chết vi trùng. Có bà, được mua cho một cỗ hậu sự thật tốt. Lâu không chết, áo quan bị mọt đục. Ngày nắng con cháu đem ra phơi, trở qua lật lại rửa ráy càu nhàu... Luật đời chú ạ! Già thì lụi tàn, phải chết. Sống lâu thành nợ của mọi người ngay con cái cũng chán... Một lần tôi ốm, trận ấy ốm thương hàn, thập tử nhất sinh. Trong những cơn mê, tôi cứ nghe một giọng hát lảnh lót níu tôi lại trần thế: "Người về bỏ bạn sao đành. Người về em vẫn đinh ninh tấm lòng...". Giọng cô ấy! Chỉ có cô ấy mới có cái giọng la đà sát ngọn cỏ, cao vút chạm mây xanh, thầm thì luồn lách trong da trong thịt. Tôi tỉnh lại đang mơ màng thì nghe giọng dâu con thở than gần hết ngày tốt mà cha chưa chịu đi. Tôi mở mắt, chúng nó lại ríu rít hỏi han, làm ra vẻ vui mừng... Sau lần ốm ấy, tôi nghĩ đến chuyện đi tìm cô ấy. Chính cô ấy níu tôi lại cuộc đời này. Tôi phải đi tìm nửa câu quan họ cắt đôi. Trẻ không lấy nhau được, già ở bên nhau, hát với nhau cho đỡ côi cút. Trước sau vẫn là bạn có gì sai trái đâu?

Lão im bặt. Đôi mắt già nua chìm trong cõi vắng. Thời gian với lão chỉ là lớp bụi mờ. Gió thổi, bụi bay, dĩ vãng lại hiện ra nguyên vẹn trước mắt lão. Đêm ấy, lão hát miên man bên bếp lửa tàn. Một mình hát, một mình nghe, một mình mở hội đồi Lim, lúng liến, đắm say, chân tình lai láng.

Thế mà sau một tuần đi công tác xa về, con tôi đã mếu máo níu áo ngoài cửa đòi tôi đi tìm lão Tầm Xuân. Thì ra lão đã bỏ đi... Tự nguyện theo lão là con chó mập ú của bà Tư cầy. Dường như chán gặm xương đồng loại, nó bỏ theo lão Tầm Xuân.

Tôi cũng vô tình quên lão nếu không có lần gặp lại ở Hàng Xanh, Sài Gòn cách đó hai năm.

Đó là một buổi trưa nắng chang chang. Con hẻm em gái tôi ở vang lên tiếng rao lạc lõng: “Ai hàn xoong hàn nồi, mài dao mài kéo không...? - Tiếp liền sau một giọng hát cất lên :"Khi tương phùng khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình... thương nhớ sầu oanh, lẻ loi chim nhạn. Bạn tình ơi...”. "Ôi!". Lão. Lão chứ còn ai nữa. Không kịp xỏ dép, tôi chạy nhào ra hẻm gọi ơi ới: “Lão mài dao... lão Tầm Xuân". Lão quay phắt lại rồi ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Mới hai năm mà lão già thêm nhiều. Lão đã thực sự già thêm nhiều. Lão đã thực sự già! Gương mặt chằng chịt nếp nhăn lỗ chỗ nốt rỗ như tấm gỗ mọt. Đôi mắt mờ đục, giọng hát khào khào. Lão mang lỉnh kỉnh dụng cụ hàm mài. Câu quan họ lầm lũi lạc theo, lạc lõng trong thành phố hoa lệ. Con chó vàng của bà Tư cầy lẽo đẽo theo bên. Chỉ khác là nó không còn mập ú nữa, nó xơ xác gầy nhom như chủ.

Chúng tôi tấp vào quán nước bên đường. ở đó tôi được biết vì sao lão bỏ đi đột ngột. Bà chủ quán thịt cầy cùng dãy với bà Tư béo bảo có gặp một bà người Bắc đi xin ở Gia Định biết hát quan họ và y hệt cô Xuân của lão. Thế là họ đi!... Quán bà Tư mất hấp lực, đâu lại vào đấỵ Tôi nghĩ thế nhưng không nói ra, sợ lão buồn. Tôi định bụng khuyên lão trở về quê. Không ngờ lão cũng nói:

- May gặp nhau lần cuối... Tuần sau tôi về chú ạ. Tiền tàu xe đủ rồi... Tôi về để mười ba tháng Giêng tới dự hội Lim lần cuối. Hội Lim giờ đâu như xưa nữa... Nhưng tôi vẫn nghe tiếng trống vào hội giục giã lòng tôi. Tôi yếu rồi! Tôi đã nghe đất gọi Quê gọi Đành hẹn kiếp sau vậy...

Tôi nhìn lão, còn lão nhìn dòng xe cộ nườm nượp đến chóng mặt. Chiều tà dần trong đôi mắt mầu hoàng hôn.

- Lâu ngày gặp lại, tui với lão mần đích đáng một bữa thịt chó đi! ở đây có Bồng Lai quán nghe nói khá lắm, ăn hoài không đã miệng. Tui mời lão.

- Cảm ơn chú! Nhưng năm rồi tôi không đụng thứ đó. Tôi sẽ không đụng cho đến ngày cuối đời...

Lão cúi xuống vỗ về vào lưng con vàng. Con chó ngước đôi mắt nặng trĩu yêu thương nhìn lão rồi không dằn lòng nổi, nó đứng trên hai chân sau, vừa kêu ư ử hài lòng vừa liếm khắp người lão.

- Chú thấy đấy! Cứ tưởng tượng nó thành những đĩa dồi, đĩa luộc, đĩa xào, xáo... là tôi lợm giọng rồi... Không có nó tôi không sống nổi ở đây đến hai năm... Nó sưởi ấm tôi, kéo tôi đứng dậy, nó bị đánh què cẳng vì ăn cắp của người ta để cho tôi ăn những ngày tôi ốm... Nó từng sung sướng... theo tôi nó mới cực thế này... Nó...

Lão nghẹn ngào, mắt hấp háỵ Giọt lệ tuổi già chắt mãi mới thành dành cho kẻ đồng hành bốn chân!

Khoảng mươi hôm sau, con dao chặt thịt bị mẻ, em tôi nhắc:

- Không thấy lão mài dao kéo vào xóm... cái lão thật lạ, không lo kiếm khách chỉ lo hát... Có đồng nào mua đồ ăn lại chia đôi cho chó một nửa. Con chó cũng đáo để, không bao giờ ăn trước chủ dù có đặt trước miệng... Người già cũng lạ! Trại dưỡng lão em làm có một bà già... nhập trại ba năm không nói một lời, tưởng câm, khi gần chết hóa ra biết hát. Cái giọng cái điệu, cái lời na ná như lão mài dao.

- Đâu? Bà ấy ở đâu? - Tôi chụp tay nó.

- ở trong, sắp chết rồi. Mà anh hỏi làm gì?

Tôi kéo áo nó, bắt nó chở đi rồi tôi sẽ giải thích. Dọc đường tôi kể vắn tắt chuyện lão Tầm Xuân đi tìm nửa câu quan họ. Tôi linh cảm đó là cố Xuân.

- Ba năm trước, một người đàn ông sang trọng, gương mặt tràn trề nhân ái dẫn bà ấy vào trại. Ông ta bảo với Ban quản đốc ông ta thấy bà già cơ nhỡ, ngủ trước hiên nhà nên thương xót dẫn giúp vào đây. Ba năm ở đây, bà ấy sống lặng lẽ như bóng không hề nói, nằm quay mặt vào vách. Nhưng cách đây một tháng, dường như không nén được nỗi đau đớn, bà ta khóc rống lên: "Hắn là con tôi, cái thằng dẫn tôi vào đây chính là con tôi". Mấy hôm nay bà ta hát... không ăn, không uống... chỉ phều phào hát... -Em tôi kể.

Bây giờ nằm trước mặt tôi, trên chiếc chiếu tỏa mùi khai thối trải trên nền gạch loang lổ là bà cụ tóc trắng như bông vấn vành khăn nhung đã sờn, mỏng như giấy, mặt vàng, hơi thở dốc...

"Dong dỏng, trắng tươi, hát hay, xinh đẹp..."

Hình hài ấy không còn nét nào giống lão Tầm Xuân tả. Thời gian cho, thời gian lấy hay tôi đã lầm? Tôi định lui ra nhưng chiếc lá khô ấy bỗng khẽ khàng động đậy. Rồi từ lồng ngực thoi thóp hơi tàn, phều phào những tiếng, lời rời rạc. "Bạn tình ơi! Duyên bén ngãi, trước không phải... sau đền... duyên... ba sinh".

-Đúng rồi! Cố Xuân đây rồi! Tôi reo to giữa những gương mặt già nua ngơ ngác - Lão Tầm Xuân ơi! Nửa câu quan họ đây rồi.

Lão tìm ba năm, nay biết tìm lão ở đâu.

Bà cụ mấp máy môi hát, âm sắc yếu dần... yếu dần... Nhanh trí, tôi nắm lấy bàn tay còn xương với da ấy và tôi lập lại lời hát của lão Tầm Xuân: "Khi tương phùng, khi tương ngộ, xuôi lên bộ văng vẳng tơ tình..." Giọng hát vụng về thô ráp như đọc của tôi cất lên, và lạ lùng thay, nó tựa những giọt nước cành dương diệu kỳ... Mí mắt bà lão động đậy, ngực phập phồng rồi giọng hát yếu ớt cứ rõ dần hòa với cái giọng vịt đực ồ ồ của tôi. Những bà già trên nền nhà lập tức ngồi dậy. Họ không hiểu nhưng họ vỗ tay như những đứa trẻ. Họ reo, họ hò, họ hát ru... Những đôi mắt mờ mờ đục chất ngất nỗi buồn và bất hạnh bỗng háo hức như mắt trẻ con. Một bà lão lục đục trong hai ba lần áo một cái gói nhỏ mở hai ba lớp nylon bày một nhúm thịt chà bông, chần chừ ngắm rồi nhón tay bốc hai sợi thịt đem tới đút vào miệng tôi một sợi, miệng cố Xuân, bị lời hát đẩy ra, còn trong miệng tôi, trào thành nước mắt!

Tôi lập tức đạp xe đi quanh vùng Gia Định tìm lão Tầm Xuân nhưng bóng lão bặt tăm... Hình như lão đã về quê rồi. Em gái tôi góp ý nhắn lão trên tivi. Mẩu tin kỳ quái được nhắc lại hai hôm: “Lão Tầm Xuân! Đã tìm ra nửa câu quan họ. Đến gấp trại dưỡng lão số 3, đường... Mau lên kẻo không kịp".

Không kịp thật. Cố Xuân hắt ra hơi thở cuối cùng, lão vẫn bặt tăm. Chiếc xe tang của trại đưa cố đến lò thiêu. Không một vành khăn, không dòng nước mắt.

Có lẽ giờ này lão Tầm Xuân đang lê bước trở về. Nửa câu quan họ lầm lũi theo lão... Chơi vơi... Chơi vơi...

Người ở đừng về - Quan họ Bắc Ninh

Người ở đừng về


Người ở đừng về là tên một bài hát dân ca Quan họ Bắc Ninh do Xuân Tứ cải biên từ bài Quan họ cổ Chuông vàng gác cửa tam quan và bài hát được phát triển từ một bài thơ dân gian. Bài hát thường được cất lên vào lúc hội tàn, khi "giã bạn", có thể do bên liền anh hoặc liền chị hát. Bài hát nghe da diết, khẩn khoản như muốn níu kéo người nghe ở lại. Tình cảm của người hát với người nghe không chỉ thể hiện ở một câu hát, câu gọi mà thể hiện cả trong những câu dặn dò. Đến khi biết được rằng không thể níu kéo được, thì câu hát chuyển sang dặn người đi phải cận thận "sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua" và còn dặn với một câu khiêm nhường rằng, nếu gặp ai hơn thì kết còn ai bằng thì hãy đợi người hát. Trong mỗi đoạn hát đều có phần mở và kết chốt lại với câu "Người ơi! Người ở đừng về".



Lời bài hát

Người ơi! Người ở đừng về,
Người về em vẫn (í i ì í i í i i) có mấy trông (i ì) theo,
Trông (ì í a a) nước tình (a) chung là như nước chảy,
Mà này cũng có a trông bèo, trông bèo là bèo trôi.
Người ơi người ở đừng về.
Người về em vẫn (í i ì í i í i i) có mấy khóc (i ì) thầm,
Ðôi (ì í a a) bên là bên sóng như vạt áo,
Mà này cũng có (a) ướt đầm, ướt đầm như mưa,
Người ơi người ở đừng về.
Người về em dặn (í i ì í i í i i) có mấy lời này rằng,
Sông (ì í a a) sâu là sâu sông nên chớ lội,
Mà này cũng có (a) đò đầy, đò đầy người chớ qua,
Người ơi người ở đừng về.
Người về em dặn (í i ì í i í i i) có mấy lời này rằng,
Đâu (ì í a a) hơn là hơn đâu hơn người kết,
Mà này rằng có (a) đâu bằng, đâu bằng người đợi em,
Người ơi người ở đừng về.
Người về em dặn (í i ì í i í i i) có mấy tái hồi,
Yêu (ì í a a) em thời em mong anh gìn giữ
Mà này cũng có (a) đừng ngồi, đừng ngồi với ai.
Người ơi người ở đừng về.
Người ơi! Người ở em về!
Lời bài thơ
Người ơi người ở đừng về
Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa
Người ơi người ở đừng về
Người về em vẫn trông theo,
Trông nước nước nước chảy, trông bèo bèo trôi
Người ơi người ở đừng về
Người về em nhắn tái hồi
Yêu em xin chớ đứng ngồi với ai

Thông tin thêm

Bài hát được sử dụng khá nhiều trong các bộ phim có chủ đề về Quan họ, như phim Đến hẹn lại lên của đạo diễn Trần Vũ.

Nhạc sĩ Trần Hoàn cũng đã sáng tác bài hát Lời Bác dặn trước lúc đi xa có nhắc đến bài dân ca quan họ này, còn nhạc sĩ Lê Minh Sơn cũng đã khai thác chất liệu dân ca trong bài này để sáng tác một bài hát mới Người ở người về.

Còn câu "Rằng yêu em… người ơi… người ở, đến cao nguyên người ở...đừng về" có trong bài hát "Nghe câu quan họ trên cao nguyên" do Vũ Thiết sáng tác, phát triển từ thơ của Vũ Chỉnh. Trong chùm ca khúc viết về chiến tranh Việt Nam, nhạc sĩ An Thuyên cũng đã sáng tác bài hát "Khi xe tăng qua miền quan họ" : "Người ơi người ở...áo em ướt đầm rồi...mai lên biên giới...tình em lưu luyến...". Còn Nhất Sinh cũng đã gửi gắm tình cảm của mình qua câu hát "Chỉ mong gặp em người em gái, hát câu dân ca, người ở đừng về" trong bài Tơ hồng...

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2007

Bài ca Hồ Chí Minh

(http://www.dost-dongnai.gov.vn/e9chuyenmuc.asp?cat=2&itm=13&idd=299)

Bài ca Hồ Chí Minh

TS. Đinh Thu Xuân, 2004

Từ 14 giờ đến 22 giờ ngày 7 tháng 5 năm 1954, tại lòng chảo Điện Biên Phủ ở tây bắc Việt Nam, quân ta dốc toàn lực tổng công kích vào trung tâm Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ Cát cùng ban tham mưu tập đoàn cứ điểm, buộc trên 10.000 quân địch còn lại phải ra hàng; truy kích, bắt gọn địch ở phân khu nam (Hồng Cúm). Đây “là chiến dịch đánh tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp” (1). Hồ Chủ tịch đã đưa ra một phép so sánh rất thuyết phục: “Tháng 10 năm 1950, trong trận giải phóng biên giới. Trận ấy đã làm cho cả nước Pháp xôn xao. Các báo Pháp đã nói: Đó là thất bại to nhất trong lịch sử thực dân Pháp.
Đến Điện Biên Phủ thì làm cho cả thế giới xôn xao. Bạn ta và nhân dân cả châu Á thì vui mừng. Phe đế quốc, nhất là Pháp – Mỹ thì ngơ ngác” (2).
Ngay trong đêm 7 tháng 5 năm 1954, tại Câu lạc bộ Lao động thành phố Kentơ (nam thủ đô Luân Đôn của nước Anh), đại biểu của tổ chức “Phong trào đòi tự do cho các thuộc địa” đã tổ chức một cuộc mitting lớn, chào mừng thắng lợi huy hoàng của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Sau khi tiếng nhạc bài Quốc tế ca vừa dứt, nhạc sĩ E-oan Mắc-cơn ôm đàn, bước lên sân khấu, hồ hởi báo tin:
-“Thưa các ngài và các bạn, chiều nay, đài BBC đã miễn cưỡng dè dặt đưa tin: Điện Biên Phủ mất rồi! Nhưng đối với chúng ta, ngày Điện Biên Phủ chiến thắng lại là ngày hội lớn của tất cả những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới. Thưa các bạn! Tại sao chiến thắng đặc biệt có ý nghĩa này lại xảy ra ở Việt Nam mà không ở một mảnh đất thuộc địa nào khác? Gần đây, tôi đã được đọc cuốn sách quý, gồm nhiều bài của một số giáo sư Sử học phương Đông và Pháp, Ý... ca ngợi một nhân vật vĩ đại của thế kỷ XX. Đó là Cụ Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo vừa dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng kiệt xuất Điện Biên Phủ. Cuốn sách có đoạn viết: Cụ Hồ Chí Minh không chỉ xót thương nhân dân mình, dân tộc mình mà ngay khi còn sống, lưu lạc nơi đất khách quê người, Cụ đã thấu hiểu mọi nỗi đau khổ của những người nô lệ Châu Phi, Châu Mỹ...
Thưa các bạn, vừa gấp cuốn sách lại thì lập tức những cảm hứng nghệ thuật đã tràn ngập tâm hồn tôi. Giúp tôi nhanh chóng sáng tác một khúc ca về Cụ Hồ Chí Minh, Người đang nhen lên ngọn lửa giải phóng bừng sáng ở Việt Nam và từ đây sẽ lan nhanh tới mọi lục địa để thiêu cháy mọi áp bức, bất công. Vì bài hát này nhằm nói lên tình cảm của nhân dân Anh dành cho Người, tôi chủ tâm sử dụng và phát triển làn điệu dân ca cổ Xắc-xông, với giai điệu thiết tha, sôi nổi” (3).
Nói đoạn, E-oan Mắc-cơn nâng cây đang dân tộc lên trước ngực, cất cao tiếng hát. Giai điệu Xắc-xông của xứ sở sương mù huyễn hoặc như dẫn dắt người nghe, từ trời tây băng qua đại dương sang trời đông, với ngàn lời tự sự sâu lắng thiêng liêng:

Miền biển Đông ca tắp nơi chân trời
Người dân ở đó lầm than đói nghèo
Từ đau thương Người đi khắp năm châu
Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh! .
.. Người đã về với rừng núi
Tổ chức nên một đạo quân, tất cả đều trở thành anh hùng.
Thề giải phóng cho nhân dân
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!
... Người đã chỉ huy đánh tan quân ngoại xâm
Lập nước Việt Nam chiến thắng vinh quang
Người là ngôi sao dẫn đường
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!

Cả khán phòng lắng đọng trong âm hưởng Bài ca Hồ Chí Minh. Trên các hàng ghế chật ních những thủy thủ, binh sĩ, công nhân, sinh viên và cả một số nghị sĩ Quốc hội Hoàng gia Anh – Họ là những hội viên của Phong trào đòi tự do cho các thuộc địa. Mỗi kihi E-oan Mắc-cơn hát xong một đoạn, lập tức cả khán phòng đồng thanh hò vang: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!”.
Từ khán phòng câu lạc bộ Lao động phố Ken-tơ ấy, Bài ca Hồ Chí Minh, xuất hiện ngay trong đêm chiến thắng Điện Biên Phủ đã nhanh chóng lưu truyền khắp nước Anh; vượt đại dương tới Châu âu, Châu Á, Châu Phi, Mỹ Latinh và Châu Úc... Bài ca Hồ Chí Minh với sự lan tỏa kỳ diệu đã nhanh chóng được dịch sang nhiều thứ tiếng: Tây Ban Nha, Thụy Điển, nước Nga Xô Viết, Nhật, CuBa... khi xuất hiện ở Pháp, bài hát đã nghiễm nhiên trở thành bản cáo trạng đanh thép, tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân Angiêri. Ở Đức, Ý, Bài ca Hồ Chí Minh được dùng như một phương tiện lên án âm mưu phục hồi các thế lực phát-xít ở trong nước mình. Khi xuất hiện ở Mỹ, Bài ca Hồ Chí Minh được đón nhận như một vũ khí tinh thần hết sức quý báu, nà các nghệ sĩ tiến bộ Mỹ sử dụng để chống chiến tranh, tố cáo những hành động xâm lược, cùng những thủ đoạn diệt chủng của đế quốc Mỹ ở Việt Nam – Lào – Campuchia. Đặc biệt có ba nhạc sĩ, ca sĩ Mỹ là Pitơxigơ, Babơrơ và Tôm Hâyđơn đã viết thư cho tác giả Bài ca Hồ Chí Minh – nhạc sĩ E-oan Mác-cơn, trong đó có đoạn viết: “... Mỗi khi chúng tôi gặp những đối tượng nghe rộng rãi, không cùng chung chính kiến, tôn giáo, chủng tộc, ở mọi nơi, mọi lúc, bao giờ Bài ca Hồ Chí Minh cũng có sức thuyết phục lạ lùng. Bởi vì Việt Nam, Hồ Chí Minh đã làm quang vinh cho tất cả. Ca ngợi Việt Nam là ca ngợi chính mình. Bài hát đó được in thành nhạc bướm, phổ biến khắp nước Mỹ, kêu gọi mọi lực lượng phản chiến cùng hành động với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi biết nói sao để bạn rõ, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Mỹ quan trọng đến nhường nào!” (4).
Sau này chính nữ ca sĩ Pécghi Xigơ (em gái của ca sĩ – nhạc sĩ Pitơxigơ) đã trở thành bạn đời của E-oan Mắc-cơn.
Năm 1967, tại Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng (chống chiến tranh), tổ chức ở La Habana (CuBa), hai vợ chồng E-oan Mắc – cơn đã say sưa biểu diễn Bài ca Hồ Chí Minh. Khi bài hát vừa dứt, hàng vạn người nghe đã đứng dậy vỗ tay như sấm, yêu cầu hát lại. Những ai đứng ở hàng đầu đều thấy rõ những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má của hai vợ chồng nhạc sĩ – chiến sĩ hòa bình E-oan Mắc-cơn. Một lần nữa khi bài ca vừa kết thúc, không gian tràn ngập tiếng hô: “Hồ Chí Minh, Hô xê Mácti, Tổ quốc hay là chết!”.
Hai vợ chồng E-oan Mắc-cơn cùng quay người cúi chào rất lâu tấm áp phích làm phông nền cho sân khấu, mà trên đó vẽ hình chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam khổng lồ, đang cầm súng lao lên phía trước. Dưới chân áp phích ghi hàng chữ: “Việt Nam, bài học cho thế giới”.
Khi Đại hội liên hoan quốc tế ca hát chống chiến tranh kết thúc thắng lợi, giữa hàng quân nhạc hòa tấu bài hát Giải phóng miền Nam, cặp vợ chồng nhạc sĩ – chiến sĩ quốc tế E-oan Mắc-cơn chạy như bay trên đường băng sân bay La Habana tới ôm chầm lấy các nghệ sĩ đoàn Việt Nam trao tận tay bản nhạc Bài ca Hồ Chí Minh với lời đề tặng trích từ một bài thơ của thi sĩ Mỹ:

Trên đời có những vật không bao giờ đổi thay
Có những loài khim không khuất phục bao giờ
Có những tên người sống mãi với thời gian Hồ Chí Minh...” (5)

Có một bài ca ra đời ngay trong đêm chiến thắng Điện Biên Phủ – Bài ca Hồ Chí Minh – bài ca đi cùng năm tháng – bài ca đấu tranh vì hòa bình thế giới, nay tròn 50 năm tuổi – Bài ca gắn liền tên tuổi Điện Biên Phủ – Hồ Chí Minh

Đ.T.X
(1) Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb.QĐND, Hà Nội 1996, tr. 111.
(2) Báo Cứu quốc, số 2613, ra ngày 7-6-1954, Hồ Chủ tịch ký bút danh Đ.X trong bài “Mẩu chuyện Điện Biên Phủ”.
(3) Báo Nhân Dân, số ra ngày 11-5-1975.
(4) Báo Nhân dân, số ra ngày 11 tháng 5 năm 1975.
(5) Viện Hồ Chí Minh – Hồ Chí Minh ttrong trái tim nhân loại, Nxb Tổng hợp Khánh Hòa, 1990, tr.37.


The ballad of Ho Chi Minh


Tác giả : Ewan MacColl


Far away, across the ocean
Far beyond the sea's eastern rim
Lives a man who is Father of the Indochinese people
And his name is Ho Chi Minh!

Ho Ho Ho Chi Minh
Ho Ho Ho Chi Minh

Ho Chi Minh was a deep sea sailor
Served his time out on the seven seas
Work and hardship were part of his early education
Exploitation his ABC's

Ho Ho Ho Chi Minh
Ho Ho Ho Chi Minh

Ho Chi Minh came home from sailing
And he looked out on his native land
Saw the want and the hunger of the Indochinese people
Foreign soldiers on every hand

Ho Ho Ho Chi Minh
Ho Ho Ho Chi Minh

Ho Chi Minh went to the mountains
Where he formed a determined band
Heroes sworn to liberate the Indochinese people
Drive invaders from the land

Ho Ho Ho Chi Minh
Ho Ho Ho Chi Minh

Fourteen men became a hundred
A hundred thousand and Ho Chi Minh
And the wind stirs the banner of the Indochinese people
Victory's Army- the Viet Minh

Ho Ho Ho Chi Minh
Ho Ho Ho Chi Minh

Every soldier is a farmer
comes the morning he grabs his hoe
Comes the evening she swings her rifle on her shoulder,
This the Army of Uncle Ho

Ho Ho Ho Chi Minh
Ho Ho Ho Chi Minh

From Viet Bac to the Saigon Delta
From the mountains to the Plain of Reeds
March the men and the women of the Indochinese people
Sowing freedom with victory seeds

Ho Ho Ho Chi Minh
Ho Ho Ho Chi Minh
Ho Ho Ho Chi Minh

Ho!


Lời Việt:

Miền biển Đông, xa tắp nơi chân trời
Người dân ở đó lầm than đói nghèo
Từ đau thương Người đi,
khắp năm châu
Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!
...Người đã về với rừng núi
Tổ chức nên một đạo quân,
tất cả đều trở thành anh hùng
Thề giải phóng cho nhân dân
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!
...Người đã chỉ huy đánh tan
quân ngoại xâm
Lập nước Việt Nam chiến thắng
vinh quang
Người là ngôi sao dẫn đường
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!
Lòng thành kính toàn dân gọi Cha già
Vì Người đã sống để cho muôn người
Hồ Chí Minh mùa xuân chứa chan
muôn niềm tin
Người từ chân lý sinh ra.
Vì thế giới hòa bình, Người hiến dâng
đời mình
Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh…