... hu28m, tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn xếp, vai mang nải hoa ...

...

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2007

Trịnh Công Sơn - Tỏ Tình Với Cuộc Sống




Trịnh Công Sơn - Tỏ Tình Với Cuộc Sống


"...Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo...". Trịnh Công Sơn không chỉ dành riêng cho nhạc, mà còn cả cho tranh và thơ nữa. Ở một lúc khác, anh tự bạch: "Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa (một ngày nào đó) cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia xẻ những buồn vui cùng mọi người". Và có lần "bị" phỏng vấn, anh nói: "Tôi chỉ viết lời cho những bài tình khúc của tôi. Bởi một lẽ đơn giản là tôi chỉ có những mối tình lãng đãng, sương khói, hoàn toàn không có gì cụ thể. Ngày xưa dường như cả thế hệ của tôi là như vậy, yêu một mái tóc, một dáng hình, mỗi ngày chỉ cần nhìn thấy mặt nhau, thấy em qua khung cửa sổ là cả ngày thấy vui. Có khi đạp xe sau lưng em mà em không biết mình là ai, vẫn thấy vui như thường. Diễm xưa cũng là một loại tình yêu như vậy... Ừ, kỳ lạ vậy. Khi đang yêu nhau, nghĩa là đang mãi yêu, đang đắm say với hạnh phúc. Chỉ đến khi mất mát, còn lại một mình, anh mới tự đối diện với mình mà nhận ra điều trước nay anh không hề nhìn thấy. Cũng không phải là gặm nhấm nỗi đau, mà là nhận diện nỗi đau...”.

Người "hát rong" ấy cất tiếng hát: "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ", cũng là lúc yêu cuộc sống, yêu tất cả. Và từ đó cảm xúc thực sự đã đến với anh, đến với Hãy cứ vui như mọi ngày, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Ở trọ, Một cõi đi về, Đoá hoa vô thường, Huyền thoại mẹ, Quỳnh hương, Tôi tìm tôi... Vâng, tình yêu thì vô cùng.

Trong bài hát Tôi tìm tôi, anh tự hỏi "Tôi là ai?" Câu hỏi không chỉ riêng cho mình, mà còn cho một vùng đất. Là ai? "Sài Gòn gánh gió trên vai mưa lầy lội. Tôi tìm chập chùng dấu vết hươu nai". Là ai nữa? "Trở lại hoá kiếp rong chơi giữa nơi này. Phố phường Sài Gòn nhớ nhớ quên quên". Và ai nữa? "Đi quanh tôi tìm hình bóng xưa quen. Đi đi tìm em cho tôi dấu vết bóng Phù Nam..." Câu hỏi cứ lặp đi lặp lại, mình đang sống đây nhưng mình đã là ai trong 300 năm trước. Lời thơ trong giai điệu như thế không phải chỉ mới có trong bài hát Tôi tìm tôi, mà trước đó đã xuất hiện trong nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn. Anh đã rất "thi sĩ", rong chơi chữ nghĩa như thế trong thế giới âm nhạc của mình. Mỗi cõi đi về đều có để lại dấu ấn. Trịnh Công Sơn có cách nói riêng, bằng lời và bằng nhạc, nói như nhà văn Bửu ý "Lời tách riêng, đó là những đoạn thơ hoặc là truyện thơ tâm sự về giọt mưa, giọt nắng, về một vùng biển đầy ắp sự vắng mặt..." và "Ta còn chứng kiến một công cuộc thể nghiệm của tiếng Việt trên những chặng đường mới của ngôn ngữ với những kết hợp từ ngữ tài hoa, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dạn nhiều tầng, khả năng tưởng tượng bay bổng".

Từ bài hát Tôi tìm tôi trở về hơn 30 năm trước, lời tách riêng vẫn là thơ, những câu thơ, đoạn thơ tài hoa và lay động. Đó là nét chấm phá, những hoa gấm cho sóng nhạc. Có thể "nhặt" ra những đoạn thơ khá hoàn chỉnh.


Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười.
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay
(Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui)


Những câu thơ lục bát:
Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe nước nguồn
... Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời.
(Ở trọ)

Những câu thơ bốn chữ:
...Nụ cười mong manh
Một hồn yếu đuối
Một bờ môi thơm
Một hồn giấy mới
(Đóa hoa vô thường)

Những câu thơ năm chữ:
Em đi qua chuyến đò
Thấy con trăng đang nằm ngủ
Con sông là quán trọ
Và trăng tên lãng du.
(Biết đâu nguồn cội)

Thơ trong nhạc Trịnh Công Sơn đã tạo nên sắc thái, tên tuổi của anh.
Không phải ai cũng có thể hiểu ngay lời thơ - ca từ của anh, nhưng giai điệu và lời thơ cứ xoắn xuýt nhau, mà độ "cảm" cứ thấm dần và sau đó mới hiểu được một phần tình ý của anh. Và có dịp đọc những câu thơ riêng lẻ, hoặc một bài thơ khá hoàn chỉnh của Trịnh Công Sơn, tôi mới cảm nhận hết sự tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu lắng, chấm phá mà tài hoa của anh. Có người nói Trịnh Công Sơn làm thơ rất sớm trước khi sáng tác bài hát Ướt mi. Chẳng cần đặt tên cho cảm xúc của mình, nhưng đọc Chùm thơ vô đề của anh in chung trong tuyển tập thơ Chút tình với thức và những bài thơ ngắn của anh được sáng tác tại Montréal (năm 1992), có thể "nhặt" ra những câu thơ thú vị bất ngờ. Nơi này là một bài thơ tứ tuyệt:

Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm lắm
Anh gối lên và ngủ một giấc dài
Em có hiểu đời cho em là mộng
Để anh về cứ tưởng một là hai.

Kia là một bài thơ lục bát:
Mặc đời ô trược vừa qua
Tấm thân nhỏ nhặt người la mắng người
Buồn phiền vỡ mộng đường dài
Ta xin một góc ta ngồi với ta.

Như đã có một chỗ riêng cho người làm thơ - cô đơn mà gần gũi quá:
Đời ta nắng trải vô bờ
Chén cơm nguyệt quế em hờ hững sao
Mai sau nếu có bao giờ
Chén cơm nguyệt quế không hờ hững đâu.

Và nhân ái cả với chính mình:
Đường xa mỏng mộng vô thường
Trái tim chợt tỉnh, tôi nhường nhịn tôi.


Một bài thơ khác có tên hẳn hoi - Như lời tựa - Trịnh Công Sơn đã viết: "Tôi người thợ nặng nề vác nặng những cuồng điên", và sau đó giãi bày: "Có những bài thơ viết vì một nỗi mơ màng không uẩn khúc. Những bài thơ tuyệt vọng. Những bài thơ sáng lạnh một tình cảm rộn ràng trong phút chốc. Đừng nhớ niềm tuyệt vọng. Hãy nhớ trời cao. Mây và mây bay trên bầu trời lãng đãng. Tình yêu và gió. Gió thổi mênh mông một cuộc đời. Cuộc đời lận đận..." Có thể, mai này ai mà biết được Trịnh Công Sơn sẽ đi đâu, về đâu? Nhưng những câu thơ của anh vẫn cứ ám ảnh tôi da diết:

"Có thể mai này không có gì nặng nợ với trầm luân cuộc đời gió hàm oan cứ thổi, mà tôi đi đi mãi.
Không cần ai giữ lại một tấc lòng, tấc lòng không đáng kể, vì có bao giờ ai hiểu rõ chút vô thường vô lượng của lòng tôi".

Những câu thơ chiêm nghiệm "Có thiên đường cạnh nỗi đau", giúp chúng ta hiểu thêm về "một góc ta ngồi với ta" của Trịnh Công Sơn - con người thi sĩ trong con người nhạc sĩ, chất hoa gấm trong sóng nhạc. Một cõi riêng như thế đã hé lộ một cách đáng yêu.


Trần Hữu Lục
Tạp chí Sóng Nhạc, Tháng 9-1998

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2007

Bài ca ngất ngưởng




Bài ca ngất ngưởng


Thơ Nguyễn Công Trứ

Vũ trụ nội mạc phi phận sự (1)
Ông Hi Văn(2) tài bộ(3) đã vào lồng(4),
Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông, (5)
Gồm thao lược (6) đã nên tay ngất ngưởng.
Lúc Bình tây, cờ đại tướng (7)
Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.
Đô môn(8) giải tổ chi niên (9)
Đạc (10) ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng. (11)

Kìa núi nọ(12) phau phau mây trắng,
Tay kiếm cung mà nên dáng từ bi,
Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì
Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng. (13)

Được mất dương dương người tái thượng, (14)
Khen chê phơi phới ngọn đông phong. (15)
Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,
Không Phật, không Tiên, không vướng tục.
Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú (16)
Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung. (17)
Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

--------------------------------------------------------
(1) Mọi việc trong trời đất, chẳng có việc nào không phải phận sự của ta.
(2)
Biệt hiệu của Nguyễn Công Trứ. Chú ý cách Nguyễn Công Trứ tự gọi là ông Hi Văn.
(3)
Tài năng lớn (đã bộc lộ thành phong cách, bộ dạng).
(4)
Ý nói đã ra làm quan là bị bó buộc như bị giam hãm trong lồng.
(5) Việc đỗ đạt và các chức quan Nguyễn Công Trứ đã làm. Đông: tức tỉnh Hải Dương.
(6) Tài dùng binh (Tam lượcLục thao là hai bộ sách về binh pháp xưa kia). Lã Thái Công đời nhà Chu làm ra sách Lục Thao để dạy việc binh. Tiên ông Hoàng Thạch trao Trương Lương sách Binh Thư Tam Lược để giúp Hán Cao Tổ, ý chỉ giỏi điều binh khiển tướng.
(7) Khi đem quân đánh thành Trấn Tây ở Cao Miên, ông được vua phong làm Bình Tây Đại tướng quân.
(8) Kinh đô.
(9) Năm ở kinh đô cởi dây thao đeo ấn từ quan.
(10) Đạc: cái mõ người ta thường treo vào cổ trâu bò để dễ tìm khi chúng đi lạc.
(11) Lúc về hưu, ông thường cưỡi bò vang có đeo nhạc ngựa (thiên hạ cưỡi ngựa, riêng Nguyễn Công Trứ cưỡi bò). Ông còn đem một mo cau buộc chỗ đuôi bò và nói để che miệng thế gian.
(12)
Núi Đại Nại gần thị xã Hà Tĩnh.
(13) Lúc này ông đã về hưu trí, nhưng trong nhà vẩn dập dìu các cô đầu, ngày ngày hát xướng. Có hôm ông đem các cô lên cả sân chùa mà hát ở đấy!
(14) Người ở trên cửa ải. Điển: Tái ông thất mã.
(15)
Ai khen chê cũng mặc, cứ vui phơi phới như ngọn gió xuân.
(16) Những danh tướng đời Hán và đời Tống của Trung Quốc: Trái Tuân, Nhạc Phi, Hàn Kì, Phú Bật.
(17) Nghĩa thuỷ chung, trước sau như một.

--------------------------------------------------------

Tao ở nhà tao, tao nhớ mi,
Nhớ mi nên phải bước chân đi.
Không đi mi nói rằng không đến,
Đến thì mi nói đến làm chi.
Làm chi ta đã làm chi được,
Làm được ta làm đã lắm khi.

--------------------------------------------------------


Tiểu sử

Nguyễn Công Trứ quê ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ngay từ thuở còn hàn vi ông đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp:

Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.

Năm 1820 khi đã 42 tuổi, ông mới đỗ Giải nguyên. Từ đây bắt đầu thời kỳ làm quan đầy sóng gió của ông. Ông hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ quân sự, kinh tế tới thi ca.

Cuộc đời ông là những thăng trầm trong sự nghiệp. Ông được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì những thành tích, chiến công trong quân sự và kinh tế nhưng cũng nhiều lần bị giáng phạt, nhiều lần giáng liền ba bốn cấp như năm 1841 bị kết án trảm giam hậu rồi lại được tha, năm 1843 còn bị cách tuột làm lính thú v.v.

Năm Tự Đức thứ nhất 1847 ông nghỉ hưu với chức vụ Phủ doãn tỉnh Thừa Thiên. Ông đúng là một vị quan văn - võ song tài đã đóng góp nhiều công lao cho đất nước.

Sự nghiệp

Quân sự

Do chính sách hà khắc của nhà Nguyễn dưới triều đại Gia LongMinh Mạng nên đã xảy ra liên tiếp nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân. Nguyễn Công Trứ tuy là quan văn nhưng phải cầm quân, làm tướng, đánh đâu thắng đó: 1825 dẹp Khởi nghĩa Lê Văn Lương, 1827 dẹp Khởi nghĩa Phan Bá Vành, 1833 dẹp Khởi nghĩa Nùng Văn Vân, 1835 dẹp giặc Khách. Đến đời vua Tự Đức thứ 11 (1858), khi Pháp tấn công Đà Nẵng, thì ông đã 80 tuổi nhưng vẫn xin vua cho đi đánh giặc.

Kinh tế

Ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay) vào những năm cuối thập niên 1820, đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Những hoạt động của ông trong lĩnh vực kinh tế được nhân dân các vùng kể trên ghi nhớ. Hiện nay còn rất nhiều từ đường thờ cúng ông ở hai huyện nói trên và quê hương ông.

Thơ ca

Nguyễn Công Trứ là người có tài. Là một người của hành động, trải qua nhiều thăng trầm, Nguyễn Công Trứ hiểu sâu sắc nhân tình thế thái đương thời. Ông khinh bỉ và ngán ngẩm nó.

Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy

Hay:

Tiền tài hai chữ son khuyên ngược
Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi

Hoặc:

Ra trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc trước cười.

Trong xử thế ông cười nhạo sự thăng giáng, coi làm quan thì cũng như thằng leo dây và không giấu sự ngạo mạn:

Nào nào! Thằng nào sợ thằng nào
Đã sa xuống thấp lại lên cao.

Chán trường với chốn quan trường nhưng ông không chán đời. Ông vốn yêu đời, là người chịu chơi, với ông cái gì cũng có thể đem chơi kể cả tài kinh bang tế thế.

Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.

Nguyễn Công Trứ là người đào hoa, mê hát ả đào, ông viết nhiều bài ca trù đa tình. Ngất ngưởng, ngông nghênh, về hưu đi chơi ông không dùng ngựa mà dùng . Bảy mươi ba tuổi ông cưới vợ, trả lời cô dâu khi nàng hỏi tuổi:

Năm mươi năm trước, anh hai ba

Ngay lúc chua chát nhìn lại đời mình, ông vẫn là người đầy khí phách:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo
Giữa trời vách đá cheo leo
Ai mà chịu rét thì trèo với thông

Ghi chú: Cây thông trong cách hiểu Nho-Khổng giáo là người quân tử.

Đời ông đầy giai thoại, giai thoại nào cũng cho thấy bản lĩnh sống, bản lĩnh trí tuệ và mang tính bình dân sâu sắc. Có thể nói thơ ông sinh động, giàu triết lý nhân văn nhưng hóm hỉnh, đó là chất thơ có được từ đời sống, lấy đời sống làm cốt lõi.

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2007

Người mẹ

Người mẹ
Sáng tác: Nguyễn Ngọc Thiện

Tôi muốn là hạt nắng để đến bên mẹ
Ươm lên sợi tóc để tóc sáng lóng lánh
Tôi muốn là ngọn gió để đến ôm mẹ
Hôn lên đôi mắt hằn sâu dấu chân chim

ĐK:
Sợi tóc màu mây trắng kể tôi nghe
Ngày xưa mẹ chuyển cơm qua vách cấm
Vượt qua ngàn sóng gió mẹ vẫn ung dung
Lòng thủy chung Mẹ Việt nam sáng ngời
Ôi tấm lòng người mẹ Bàn Cờ
Người Mẹ Việt Nam sáng mãi

Ghen




Ghen

Thơ: Nguyễn Bính


Cô nhân tình bé của tôi ơi!
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi, và mắt chỉ
Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.

Tôi muốn cô đừng nghĩ tới ai,
Đừng hôn dù thấy bó hoa tươi,
Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ,
Đừng tắm chiều nay biển lắm người.

Tôi muốn mùi thơm của nước hoa.
Mà cô thường xức, chẳng bay xa
Chẳng làm ngây ngất người qua lại,
Dẫu chỉ qua đường khách lại qua.

Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô.
Bằng không, tôi muốn cô đừng gặp
Một trẻ trai nào trong giấc mơ.

Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ,
Đừng làm ẩm áo khách chưa quen
Chân tôi in vết trên đường bụi,
Chẳng bước chân nào được giẫm lên.

Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi,
Thế nghĩa là yêu quá mất rồi,
Và nghĩa là cô là tất cả,
Cô, là tất cả của riêng tôi.



Người mẹ

Sáng tác: Nguyễn Ngọc Thiện

Tôi muốn là hạt nắng để đến bên mẹ
Ươm lên sợi tóc để tóc sáng lóng lánh
Tôi muốn là ngọn gió để đến ôm mẹ
Hôn lên đôi mắt hằn sâu dấu chân chim

ĐK:
Sợi tóc màu mây trắng kể tôi nghe
Ngày xưa mẹ chuyển cơm qua vách cấm
Vượt qua ngàn sóng gió mẹ vẫn ung dung
Lòng thủy chung Mẹ Việt nam sáng ngời
Ôi tấm lòng người mẹ Bàn Cờ
Người Mẹ Việt Nam sáng mãi



Người Mẹ

Sáng tác: Nguyễn Ngọc Thiện - Thể hiện: Việt Quang


Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2007

Tháng Sáu mùa thi




Tháng Sáu mùa thi
Nhạc và lời: Nguyễn Văn Hiên
Ca sĩ : Lê Tuấn

…Những hạt mưa đầu mùa nồng ấm
Làn gió trôi theo suối tóc ngọt ngào
Trang sách mở bao điều cuộc sống
Ta bước vào tháng Sáu…mùa thi…

Cơn mưa đưa mình vào tháng Sáu
Thời gian trôi theo tiếng ve kêu
Nghe mùa hạ bồn chồn gõ cửa
Nhớ không em, kỷ niệm rất nhiều

Tháng Sáu mùa thi
Con đường học trò, anh đưa em đi
Trong nếp nghĩ, chín dần bao dự định,
Ngọn đèn đêm, thao thức suốt canh thâu

Tháng Sáu mùa thi
Anh hiểu lắm, cái nhíu mày chân thật
Những nghĩ suy, khiến con người chợt lớn,
Em bắt đầu, nơi anh đi qua

Mùa thi ơi, mùa thi ơi, mùa thi ơi
Và tháng Sáu, bao la
Nơi gặp gỡ của những gì nối tiếp
Để nhận ra giữa màu xanh trùng điệp
Một mảng lòng mình xanh, rất xanh…

…Những hạt mưa đầu mùa nồng ấm
Làn gió trôi theo suối tóc ngọt ngào
Trang sách mở bao điều cuộc sống
Ta bước vào tháng Sáu…mùa thi….

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2007

Đức uống rượu - Tửu đức tụng

Đức uống rượu - Tửu đức tụng

Có một tiên sinh đại nhân lấy giời đất làm một buổi, lấy muôn năm làm một chốc, lấy mặt giời, mặt giăng làm cửa, làm ngõ, lấy cả thiên hạ làm sân, làm đường; đi không thấy vết xe, ở không có nhà cửa, giời tức là màn, đất tức là chiếu, ý muốn thế nào thì thế.

Lúc ở thì nâng chén cầm bầu, lúc đi thì vác chai, xách nậm, lúc nào cũng chỉ có việc rượu chè, không còn biết đến gì nữa.

Có một công tử và một vị quan sang nghe tiếng tiên sinh như thế, bèn đến tận nơi, xắn tay, vén áo, người thì trừng mắt, nghiến răng, người thì trần lễ, thuyết pháp, những giọng thị phi đâu bấy giờ ầm ĩ xôn xao như đàn ong vỡ tổ.

Lúc đó tiên sinh mới ôm vò rượu, ghé vào thùng rượu, tợp cả chén rượu, vểnh bộ râu lên, ngồi dạng hai chân, gối đầu vào men, lăn lưng vào bã, không nghĩ, không lo, hớn hở vui thú, ngất ngưởng say sưa, thoáng rồi lại tỉnh. Lắng tai, cũng không nghe thấy tiếng sấm sét; nhìn kỹ, cũng không trông thấy hình Thái Sơn; nực, rét thiết đến thân cũng không biết; lợi, dục cảm đến tình cũng không hay; cúi xuống trông vạn vật rối rít ở trước mắt khác nào như bèo nổi bồng bềnh trên sông Giang, sông Hán.

Hai vị kia đứng cạnh, tiên sinh bấy giờ xem cũng như con tò vò, con sâu róm mà thôi.


Lưu Linh (tự Bá Luân, hiệu Kiến Uy tướng quân đời nhà Tấn), người đất Bái (nay là tỉnh An Huy), là một trong nhóm 7 người Trúc lâm Thất hiền (bảy người hiền rừng trúc, gồm có: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, Sơn Đào, Hướng Tú, Vương Nhung). Nổi tiếng với tài mê rượu, thân hình xấu xí, phóng tình tứ chí, thường lấy sự coi nhỏ vũ trụ xem bằng muôn vật làm tâm, lạnh nhạt ít lời, không quen giao du, cùng với Nguyễn Tịch và Kê Khang tương ngộ, tinh thần hớn hở, dắt tay vào rừng. Lúc đầu không chút ý kiến gì về tài sản có không nói: "Ta chết chôn cho ta." Đấy khinh bỏ thân thể đến thế.

Lưu Linh hay uống rượu, nổi tiếng về rượu hơn hết trong Trúc lâm Thất Hiền, uống rượu bao nhiêu cũng không say.

Một hôm, ông bảo vợ đi lấy rượu. Vợ ông đổ rượu đi và đập bể vò rượu, khóc mà can rằng:"Ông uống rượu nhiều quá, không phải là cái đạo nhiếp sinh, ông phải bỏ bớt rượu đi". (Nhiếp sinh là thu nhiếp tinh thần để nuôi sức khỏe).

Lưu Linh nói: "Phải, ta không thể tự cấm được, phải cầu quỉ thần lên để thệ nguyện mới được. Vậy phải đủ rượu thịt làm lễ chứ!"

Vợ liền nghe lời, lo sắm sửa đủ các thứ.

Xong, Lưu Linh bèn quì mà khấn rằng:

"Thiên sanh Lưu Linh, Dĩ tửu vi danh, Nhất ẩm nhất hộc, Ngũ đẩu giải tỉnh, Phụ nhân chi ngôn, Thận bất khả thính"

Dịch:

(Trời sanh Lưu Linh, Lấy rượu làm danh, Mới uống một vò, Năm đấu giải tỉnh, Lời nói đàn bà, Cẩn thận đừng nghe.)

Khấn xong thì đem rượu thịt ra, ăn uống li bì, say say tỉnh tỉnh.

Tuy Lưu Linh mê man phóng túng, nhưng khi gặp việc thì ứng biến chẳng sai, ít khi thác ý vào văn thơ.

Lưu Linh thường hay quá chén, phóng túng, cởi bỏ quần áo, trần truồng trong nhà. Người đời thấy vậy thì chê cười.

Lưu Linh nói: "Ta lấy Trời Đất làm nóc nhà, buồng nhà làm quần áo, các ông sao lại chui vào quần áo của ta?"

Lưu Linh dẫu sống phóng túng, buông thả, nhưng vẫn ý thức cái gì là của Trời Đất, cái gì là của thiên hạ.


Lời bàn: Uống rượu say như tiên sinh thật là hiếm có. Say mà đến lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu, trút sạch được hết lợi dục, quên bỏ được hết việc đời, kẻ sang giàu, người quyền thế trông còn như con sâu róm, con tò vò, thì quả là một cái say thú vị, làng say vị tất đã mấy ai đã hưởng được. Nên tưởng những kẻ chưa tới được cảnh say, chưa biết được cái thú say như thế là gì, cũng chẳng nên nghị luận cái say, cười người say chưa thấy đâu, lại phải người say cười lại. Còn những hạng người say mà nói nhảm, làm càn, phạm vào những điều thương luân bại lý mà vin Lưu Linh thì lại là tội nhân của Lưu Linh, chớ không phải đồ đệ của Lưu Linh. Nói rộng ra Giới Tửu mà không uống rượu, theo đúng như Phật dạy, cố nhiên là đáng trọng, nhưng uống rượu mà vui tươi tao nhã như thần tiên, thì cũng không có thể khinh được.