... hu28m, tù trưởng giàu mạnh, đầu đội khăn xếp, vai mang nải hoa ...

...

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2007

Bèo dạt mây trôi

(Dân ca quan họ Bắc Ninh)

Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi,
Anh ơi, em vẫn đợi... í i ì... bèo dạt
Mây í i ì... trôi,
chim sa, tang tính tình... í i ì..., cao vời
Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ
sao chẳng thấy anh...

Một mảnh trăng treo, suốt năm canh,
Anh ơi, trăng đã ngã... a á à... ngang đầu
Thương nhớ... ờ ơ... ai, sao rơi... đêm sắp tàn... í i ì...
trăng tà,
Người ra đi có nhớ, (hay người xa có nhớ)
là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời,
sao chẳng thấy anh...

Mòn mỏi thâu đêm, suốt năm canh
Anh ơi, em vẫn đợi... í i ì... mỏi mòn
Thương nhớ... ờ ơ... ai
Sao rơi, trăng sắp tàn .. í i ì... trăng tà
Cành tre đu trước ngõ
Là gió la đà em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh...

Thương nhớ.. ờ ơ... ai
Sao rơi, trăng sắp tàn .. í i ì... trăng tà
Cành tre đu trước ngõ
Là gió la đà em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh...


Bèo dạt mây trôi - Guitar
Chuyển soạn: Nguyễn Thế An
(super solo guitar)





Bèo dạt mây trôi - Rock





The Water Lily Song
Bèo dạt mây trôi - Đàn bầu + Đàn tranh



Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2007

Đất nước

Đất nước

(Chương V- trích Trường ca "Mặt đường và khát vọng" - Nguyễn Khoa Điềm)

Khi ta lớn Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái "ngày xửa ngày xưa.." mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó..

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Đất là nơi "con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc"
Nước là nơi "con cá ngư ông móng nước biển khơi"
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ

Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng

Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ra cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào 4.000 năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng

Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ

Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong 4.000 lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước

Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyển lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước là Đất Nước nhân dân
Đất Nước của nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết "yêu em từ thở trong nôi"
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu

Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi

Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau
Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời
Dẫu phải cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi

Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay người
Trái không chỉ rơi vì sức hút đất đai
Trái rơi vì tay người ao ước
Khi trái chạm tay người và người ấm ủ
Thì lừng hương và cô Tấm bước ra
Đi trả thù và sống Tự do
Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta
Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
Rơi vào tay người, đó là định luật
Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam
Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm
Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
Hãy ngã xuống tay nhân dân, hỡi sắc vàng của nắng
Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi..
Hãy ngã vào tay nhân dân, đừng vãi đừng rơi
Đừng do dự, đừng hoài nghi nữa
Hãy yêu nhân dân và nghe người nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh trên cơ thể nhân dân
Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng
Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù
Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi uy nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
Nguyện làm người xung kích của quê hương
Đấy tiếng hát chúng con: tiếng hát xuống đường!

Đất nước

Đất nước

Sáng tác: Nguyễn Đình Thi


Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm lá vẫn rơi đầy

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trong biếc nói cười thiết tha

Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu

Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây thằng chúa đất
Đứa đè cổ đứa lột da

Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng

Ngày nắng đốt theo đêm mưa giội
Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Giũ bùn đứng dậy sáng loà.

1948- 1955

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2007

Quê hương

Quê hương

Thơ: Giang Nam

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.

Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc !
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích...

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ, tôi đi
Cô bé nhà bên (có ai ngờ !)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi !)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...

Hòa bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi !)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em để yên trong tay tôi nóng bỏng...

Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi, quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi !
Đau xé lòng anh, chết nửa con người !

Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.

Dáng đứng Việt Nam

Dáng đứng Việt Nam


Thơ: Lê Anh Xuân

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

Chợt thấy Anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi, nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức tường đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước

Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

(3-1968)

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2007

Lạc lối





(http://khuongha.vnaz.info/hpc.asp?action=vdt&mdn=90&chude_id=3)

Đây là một câu chuyện đã lưu lạc đâu đó trong ký ức của nhân gian. Chẳng rõ nó sẽ có độc giả hay không, nhưng một điều tôi biết chắc, là nó không hề có tác giả.

Phần tôi, tôi chỉ là người kể chuyện, và cố gắng vẽ lại - một cách thô thiển nhất - bóng của những đêm lạnh như băng này...

--------------------------------------------------------------

Riêng tặng SĐH

Phía đó là ánh đèn. Cô mừng đến điên người, thu hết chút tàn dư cuối cùng của hơi thở đã rã, bước tới. Bàn chân cô, đã nát bấy vì đá nhọn, gai sắc. Người cô, đã rách tươm những vết cào của bụi cây, những vệt bầm tím sau nhiều lần vấp ngã, với cơn đau dội ngược khi nhận ra sự nặng nề thừa thãi rườm rà của thân thể. Cô khát. Khát đến muốn nôn ra cái khát của mình. Mệt nhoài, kiệt lực, cô đưa tay gõ cửa căn nhà gỗ nằm trơ trọi trên khoảng đất trống lọt thỏm giữa khu rừng. Khung cửa sổ nhỏ của căn nhà mở ra trong mắt cô một thế giới của bình yên, tĩnh lặng. Trong ánh sáng vàng vọt dịu dàng của cây đèn dầu, bóng tối cũng trở nên ấm áp hơn. Một người đàn ông bước ra mở cửa.

Tôi bị lạc trong rừng đã nhiều ngày. Tôi lạnh, đói và khát. Xin ông cứu tôi.

Sao cô lại lạc vào đây ?

Tôi chạy trốn, không hiểu sao lại lạc vào khu rừng này.

Chạy trốn cái gì ?

Chạy trốn nỗi sợ hãi.

Sợ hãi điều gì ?

Sợ hãi nỗi sợ hãi của chính tôi.

Được rồi. Cô đợi ở đó, tôi sẽ mang đồ ăn thức uống đến cho cô.

Tôi lạnh quá. Ông có thể cho tôi vào nhà không ?

Không.

Tại sao ?

Vì căn nhà này không có chỗ dành cho cô.

Người đàn ông mang đồ ăn thức uống ra, và nhóm một đống lửa phía ngoài căn nhà, ngay dưới bậu cửa sổ. Ăn xong, cô ngồi bó gối bên những thanh củi cháy bừng, nổ lép bép, nhìn vào nhà. Vắng tanh, im lìm. Ánh đèn hắt lên tường những bóng đen của từng thứ đồ vật ẩn hiện trong khoảng tranh tối tranh sáng. Người đàn ông đã đi đâu ? Sao bỏ cô ngồi một mình như thế này, giữa tiếng cú rúc, giữa tiếng sói tru, và những con đom đóm lập lòe thứ lửa mang từ xứ sở của những khát vọng phù du hư ảnh ? Người đàn ông đã đi đâu ? Hay có lẽ, ông chỉ là một bóng đen giữa đêm, được sinh ra từ chính sự đói khát đã chói lòa trong mắt cô – đôi mắt mà giờ đây, đã bị bóng đen của nỗi cô độc và cái lạnh vây kín, siết chặt, trước thứ ánh sáng áp đảo của lửa. Cô ngồi nhìn mãi, cho đến khi lửa tắt. Những thanh củi đỏ hồng thắp lên trong cô nỗi hoài vọng, rồi cũng tàn. Nỗi tàn tạ ngân dài, buốt ngực. Cô gục xuống, và thiếp đi…

Cô giãy giụa giữa một lớp không khí đặc sệt, sẫm màu, chuyển động liên tục và cọ xát lên da thịt, khiến cô bị bào mòn đi. Cô mỏng dần, mỏng dần, và kinh hoàng nhìn chính mình đang rã thành từng đám bụi, bay tứ tán. Mỗi một cơn gió mang theo hàng nghìn mũi kim găm vào cô buốt lạnh, và ánh nắng như thể đang nung chảy toàn thân. Đau đớn cực độ, cho đến khi cô nghe thấy mình thét lên khi đôi mắt cũng bị cuốn bay, vô vọng nhìn lại thân xác chúng từng trú ngụ chỉ còn là đám bụi mờ xa, cô choàng tỉnh. Luôn luôn như thế. Bằng một cơ chế phòng vệ bí ẩn và nguyên thủy nào đó của bản năng, cô luôn vấp ngã, luôn gãy vỡ, hoặc nổ tung, trong một thời khắc tất yếu, để giành lại sự tái sinh trong cơn bấn loạn ngắn ngủi và mơ hồ – đôi khi là giữa đêm khuya, đôi khi, là giữa ban ngày của hai con ngươi mở lớn. Cô choàng tỉnh.

Và nhận ra trời đã sáng. Cô tiếp tục tìm đường để ra khỏi khu rừng - một con đường mà chính cô cũng không biết là nó có thực sự tồn tại hay không. Chẳng có chút kiến thức gì về rừng và cách định hướng, cô mò mẫm mãi. Đến khi thấy sự giống nhau của những cảnh vật mà cô đi qua, thực ra, chỉ là sự lặp lại của thói quen bước theo những điều mình cho là dấu hiệu, cô mới biết mình chỉ quanh quẩn tại chỗ cả ngày trời. Thất vọng. Cơn đói khát quay trở lại, nhìn cô cười đắc thắng. Cô lả người đi vì mệt, và bất thần hụt chân vào một cái hố ngụy trang rất khéo bằng bụi cây. Chân cô bị kẹp trong cái bẫy, đau lịm người. Chẳng còn sức, cô chỉ có thể kêu cứu bằng những tiếng rên nhỏ, ngắn, hụt hơi. Người đàn ông bất chợt xuất hiện, lẳng lặng xuống tháo chân cô ra khỏi bẫy, rồi bỏ đi. Cô gắng hết sức hỏi vọng theo :

Sao ông không kéo tôi lên ? Tôi kiệt sức mất rồi.

Cô không quan sát nên tự mình sa xuống đó. Tôi không muốn cô chết, nhưng cô phải tự tìm cách thoát ra.

Và đi mất.

Cơn đau nhức nhối ở chân khiến cô tê dại cả người. Nhưng rồi bản năng sinh tồn kéo cô trỗi dậy, cố gắng tự cứu mình bằng cách dùng hai bàn tay bấu vào thành hố, khoét thành những khấc nho nhỏ, và leo lên. Cả thế kỷ có thể trôi qua khi con người ta dồn hết sức và tập trung đến điên cuồng vì sự sống còn . Khi ra khỏi hố, cô rũ xuống, đau đớn và rệu rã như thể từng lóng xương trong mình đã gãy vụn, rạc rời. Trời tối, cô lết về phía ánh đèn hắt ra từ căn nhà, lại gõ cửa, và cầu xin. Người đàn ông lại mang đồ ăn thức uống ra cho cô, nhóm một đống lửa. Nhưng lần này, ông ngồi đó với cô, lặng lẽ nhìn cô ăn uống cào cấu như một kẻ phàm phu, vô phép tắc.

Tôi lạnh quá. Sao ông không cho tôi vào nhà ? Hay có điều gì ông không muốn người khác nhìn thấy trong thế giới riêng của ông ?

Khu rừng này là của tôi. Cô đến đây tức là đã lạc vào thế giới riêng của tôi rồi.

Vậy hãy cho tôi vào nhà đi. Tôi lạnh lắm. Tôi hứa sẽ không chạm vào bất cứ thứ đồ vật gì của ông. Tôi chỉ xin một góc, một góc nhỏ thôi, vì ngoài này lạnh lắm.

Xin lỗi, căn nhà này không có chỗ dành cho cô.

Nói xong, ông đứng dậy bỏ vào nhà. Còn cô, nằm lại đó, trơ trọi, đơn độc, không còn sức để thắc mắc, để kêu than, để buồn tủi. Cái lạnh chiếm hữu cô bằng từng hơi thở nguội dần, cạn dần.

Đêm đó, cô mơ thấy mình là một con chim cánh đập khắc khoải trên bãi tha ma vắng lặng hơi người. Những cơn gió nồng nặc tử khí. Và thế giới chỉ còn lại là những chiếc lông vũ tung tóe bay theo từng đợt gió quét ngang, tất cả rơi tự do như thuở còn là cát bụi. Cái chết là một sợi lông vũ không phải màu hồng. Cô mâu thuẫn giữa cảm giác hân hoan độc ác của loài kên kên khát máu và cảm giác đau thương sợ hãi cuối cùng còn sót lại của loài người. Một sự mâu thuẫn không hứa hẹn thỏa hiệp. Rồi tất cả nóng lên. Cô căng ra như một trái bom chứa tất cả những gì phi lý nhất, và bùng nổ !

Trời đã sáng rõ. Cô trở mình, nhưng dậy không nổi. Những khớp xương như bị trét hồ khô cứng lại, cô hình dung mỗi cử động nhỏ của mình cũng có thể làm cả thân thể này nứt rạn. Thế nên, cô nằm đó. Từng đốm nắng xuyên lổ đổ trên những tán lá cao vút, ăn xuống cả khuôn mặt cô. Khu rừng này rất nhiều cây cổ thụ, chúng to lớn đến nỗi những dây mây, dây rừng leo, bám, đan cài chằng chịt, chỉ như thứ hoa văn, họa tiết nhỏ, trang trí cho sự già nua cổ kính của những thân cây khổng lồ ấy. Những con mắt gỗ trên thân cây nhìn chòng chọc vào cô, khoáy sâu, kéo giật cô trở về thực tại. Bất chấp sự nhức nhối đang cháy âm ỉ trong người, cô vùng dậy, lại bắt đầu cuộc kiếm tìm. Cô lang thang hoài hủy đến khi phờ phạc, chỉ thấy mình vẫn loanh quanh trong phạm vi nhỏ gần căn nhà. Cô ngồi phịch xuống, tựa vào một tảng đá, mơ màng trong nỗi buồn bã đến nát nhừ. Những hạt nắng nhảy múa trên mình cô, khiến cô nghĩ ra một trò chơi. Cô nhặt những phiến lá to, bẻ vài nhánh gai và bắt đầu vẽ lên đó. Cô châm lỗ chỗ xuống phiến lá hình hài những khát vọng của mình. Khát vọng ấy, giờ đây, mang dáng dấp những bóng đen của nhiều thứ đồ vật không rõ hình hài trong căn nhà gỗ kia, bởi đó là nơi cô ao ước được dung chứa, được bảo bọc. Cô vẽ chúng bằng nỗi tuyệt vọng, bằng nước mắt cho thân phận mình, bằng máu khi những mũi gai vô tình đâm xuyên qua ngón tay, đau buốt. Và, lảo đảo sau một cơn choáng bất thần, cô rũ xuống, lịm đi.

Cô thấy mình là cây cỏ lau trắng ven đồi, lắt lay theo những ngọn gió ẻo lả và xơ xác theo từng đợt gió mạnh mẽ thốc ngược lên trời. Những hạt phấn của cô bay thật cao, thật cao, rồi nhẹ nhàng đáp xuống trên nền đất ẩm mềm mại, phủ trắng một vùng cây cối. Cô mơ thành kẻ tạo sinh của núi rừng. Cô muốn cô tràn ngập từ núi đồi đến bãi bờ sông suối. Và thế kỷ ngàn lau trắng phất phơ bay sẽ trôi như một vầng mây bạc huyền thoại giữa lịch sử loài người… Rồi hốt nhiên, cô rơi hẫng xuống một vực thẳm hun hút, và bị thiêu đốt bởi những ngọn lửa đen, lạnh đến ngạt thở. Thứ hàn khí ấy nung nấu cô cho đến khi cô chết từng cảm xúc, từng tế bào. Cơn tức thở đè nghiến cô xuống. Cô choàng dậy, và thấy mình đang nằm bên đống lửa ngoài cửa sổ, bên cạnh người đàn ông.

Cô thật ngốc. Đã đang là một kẻ đi lạc, sao còn tự khiến mình lạc lối trong chính mình. Mục đích của cô là tìm đường ra khỏi khu rừng này, chứ không phải tìm lối vào căn nhà này. Tôi biết cô cần gì, nên tôi cho cô, để giữ mạng cô. Nhưng cô, bản thân cô không biết gì, làm sao tìm được con đường sống cho chính mình ?

Cô cười. Cái cười mệt mỏi, nhẹ hẫng, yếu ớt.

Tôi bị sao thế này ?

Nhánh gai ấy có độc. Tự cô lại làm hại mình lần nữa, vì không biết quan sát. Mủ từ thứ cà độc dược này có thể hủy hoại cả cặp mắt của cô nếu vô tình để nó bắn vào. Thứ cây nào hoa trái càng sặc sỡ, càng nhiều độc tính.

Tôi lạnh. Ông có thể cho tôi vào nhà được không ?

Không.

Tại sao ?

Vì căn nhà này không có chỗ dành cho cô.

Vậy chỗ của tôi là ở đây sao ? Giữa rừng rậm, giữa bóng đêm, giữa muôn nghìn mối đe dọa và nỗi bất an, giữa cái lạnh như gai nhọn thế này ?

Chỗ của cô, cô phải tự tìm ra. Điều đó ngoài khả năng, và, cũng chẳng phải việc của tôi.

Rồi ông đứng dậy vào nhà. Trước khi vào, ông còn nói với lại :

Cô nên cẩn thận và quan sát kỹ mọi thứ, đừng tự chuốc lấy tai họa vì sự xuẩn ngốc của mình. Khu rừng, bản thân nó vốn hiền hòa, với những ai hiểu biết nó.

Cô còn lại một mình, hoàn toàn đơn độc. Nỗi kiệt sức kéo dài quá lâu, khiến tai cô không muốn nghe, mắt không muốn nhìn, miệng không muốn nói. Cô nằm đó, câm nín, không còn sức để thở. Điều duy nhất còn cảm nhận được là nỗi tê dại, nhức nhối, lạnh buốt. Ngọn lửa chập chờn múa theo tiết tấu của cơn gió khuya, vi vu ai oán. Cơ thể cô lạnh dần, mắt nhòa đi, tay chân cứng lại. Và, cô nhắm mắt, thật im lìm, thật khẽ. Đó là lần đầu tiên, cũng là lần cuối cùng trong suốt hành trình của mình, cô trải qua một giấc ngủ bình yên, không mộng mị âu lo, và vĩnh cửu.

Mặt trời lại tươi tỉnh đến nhảy múa trong khu rừng. Buổi sáng reo vui bằng tiếng gió rì rào, tiếng cành khô gãy lách tách vang vọng đâu đó, tiếng chim ríu rít rù rì, những đàn bướm tung tăng và lá khô bay lượn khắp nơi. Một ngày mới lại bắt đầu. Người đàn ông bước ra, nhìn thân xác cô gái đã tím tái bằng đôi mắt lạnh tanh, ráo hoảnh. Ông vuốt tóc cô.

Em, ta đã cô độc biết chừng nào. Em là kẻ xa lạ với căn nhà của ta, với thế giới của ta. Nhưng với riêng ta, sự hiện hữu của em, đã thắp lên một hy vọng nhỏ nhoi, rằng em sẽ khai mở một lối thoát trong khu rừng này. Bởi khu rừng, hay chính bản thân ta, chưa từng có đường để đến, làm sao có đường để đi ? Trong một khoảnh khắc xáo trộn nào đó của không gian, thời gian, em đã lạc tới đây, chính em còn không nhớ vì sao mình tới điểm chết, ta cách nào vẽ ra một đường sống ? Ở trong căn nhà kia, ta mất ngủ vì cái lạnh mà em đang phải chịu đựng. Nhưng, căn nhà đó, khi em còn thở, không có chỗ dành cho em. Em là một kẻ hoàn toàn xa lạ với thế giới bên trong nó. Ta đã rất muốn mang em vào, nhưng nếu thế, ta phải hủy diệt chính em. Phong tỏa đường vào, là một điều bất nhẫn, nhưng giết chết em để em thuộc về nó, lại càng sai lầm hơn. Ta đã mong em tìm thấy con đường của mình biết bao nhiêu, ngờ đâu, chính em lại tự hủy hoại mình.

Em, bây giờ, không còn xa lạ nữa. Ta sẽ đưa em vào căn nhà của ta, bởi, nó, chính là một nghĩa trang của những linh hồn lạc lối.

Học đánh cờ - Hồ Chí Minh

學奕棋


Học dịch kỳ


Học đánh cờ

(Nhật ký trong tù - Hồ Chí Minh)







閑坐無聊學奕棋
千兵萬馬共驅馳
進攻退守應神速
高才疾足先得之

眼光應大心應細
堅决時時要進攻
錯路雙車也没用
逢時一卒可成功

雙方勢力本平均
勝利终須屬一人
攻守運籌無漏著
才稱英勇大將軍


Nhàn tọa vô liêu học dịch kỳ
Thiên binh vạn mã cộng khu trì;
Tấn công thoái thủ ưng thần tốc,
Cao tài tật túc tiên đắc chi.

Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế
Kiên quyết thời thời yếu tấn công
Thác lộc song xa dã một dụng
Phùng thời nhất tốt khả thành công?

Song phương thế lực thản bình quân
Thắng lợi chung tu thuộc nhất nhân;
Công thủ vận trù vô lậu trước,
Tài xưng anh dũng đại tướng quân.


Bản dịch của Văn Trực – Văn Phụng:

Nhàn rỗi đem cờ học đánh chơi,
Thiên binh vạn mã đuổi nhau hoài;
Tấn công, thoái thủ nên thần tốc,
Chân lẹ, tài cao ắt thắng người.

Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ,
Kiên quyết, không ngừng thế tấn công;
Lạc nước, hai xe đành bỏ phí,
Gặp thời, một tốt cũng thành công.

Vốn trước hai bên ngang thế lực,
Mà sau thắng lợi một bên giành;
Tấn công, phòng thủ không sơ hở,
Đại tướng anh hùng mới xứng danh.

Hãy Chôn Tôi Với Cây Đàn Ghi Ta

Hãy Chôn Tôi Với Cây Đàn Ghi Ta

Lời : Huỳnh Phước Liên
Nhạc : Thanh Tùng

Mặt trời hồng trên cát nóng Es-pa-nha
Là tiếng đàn ghi ta của Lotka
Giọt lệ nào ướt đẫm áo chòang đỏ thắm
Es-pa-nha
Hay giọt buồn ghi ta của Lotka

Tìm lại vần thơ tranh đấu Es-pa-nha
Nhặt tiếng đàn ghi ta của Lotka
Dặm đường dài với những nỗi buồn
người vũ nữ di gan hát lên bài ca tranh đấu của Lotka

Bay đi xa đi xa
Tiếng đàn ghi ta của Lotka
Bay đi xa đi xa
Lời thơ tranh đấu Es-pa-nha
Vang vang trong tim ta
Tiếng đàn ghi ta của Lotka
Vang vang trong tim ta
Lời thơ tranh đấu Es-pa-nha

Lotka Gascia
Anh đã chết với cây đàn ghi ta
Lotka Gascia
Lời anh vang mãi trong tâm hồn chúng ta

Trong trái tim của những người yêu nước
Và trong mắt xanh của bao niềm mơ ước
trong bước chân người vũ nữ
và trong tiếng ca người nghệ sỹ giang hồ

Lotka Gascia
Anh sống mãi với cây đàn ghi ta
Lotka Gascia
Lời anh vang mãi trong tâm hồn chúng ta

Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta !

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2007

THÂN TẶNG BẠN GIÀ

(thơ các cụ tặng nhau, con cháu chép lại)


Chúng ta sáu bảy tám mươi

Đều là cái tuổi nghỉ ngơi an nhàn

Sống những ngày sức tàn vô bệnh

Được những ngày khỏe mạnh là vui

Chỉ mong được chút thảnh thơi

Để mà tu dưỡng ăn chơi là mừng

Những chuyện đời ta đừng suy nghĩ

Thêm phiền lòng rầu rĩ tâm can

Cuộc đời sống đã khô khan

Làm sao cho chuỗi ngày tàn được yên

Rồi một sớm quy tiên là hết

Trần gian ai thoát chết đâu mà

Trăm năm trăm cõi người ta

Buồn, vui, sướng, khổ chỉ là mộng thôi

Cõi trần thế hết cười lại khóc

Lợi với danh lăn lóc đua chen

Thôi thì ganh tỵ, ghét ghen

Tham lam ích kỷ đê hèn khó coi

Trông chán ngán tịnh đời giả dối

Thiếu nghĩa nhân toàn lối bịp lừa

Luân thường đạo lý thờ ơ

Dưới chân đảo ngược càng dơ dáng buồn

Rồi hai chữ vô thường là hết

Giầu với sang cũng hết mà thôi

Một khi nhắm mắt tay xuôi

Bạc vàng châu báu trả rồi tay không

Ngẫm kiếp người mà lòng ngao ngán

Đến tuổi già mới chán mới ghê

Chữ rằng sống gửi thác về

Đời là cõi tạm say mê làm gì

Có đồng nào ăn đi đừng tiếc

Sống bao lâu keo kiệt làm chi

Biết rằng chết chẳng mang đi

Thì sao lúc sống chi li từng hào

Cõi trần thế còn bao người dại

Quá kiệt keo làm hại cho thân

Cái lãi sống ở dương trần

Là được thỏa mãn vào thân tháng ngày

Ta được sống hôm nay hãy hưởng

Đó thật là phần thưởng trời cho

Cuộc đời sống chỉ bo bo

Quanh năm nhọc sức những lo làm giàu

Số mệnh hết mong cầu chẳng được

Đã mấy ai ao ước mà thành

Kiếp người hai chữ tử sinh

Sang hèn đến cả nhục vinh số trời

Sống biết hưởng là người sáng suốt

Sống kiết keo là dốt, là ngu

Một cơn gió thổi bay vù

Là tan nát hết ngàn thu suối vàng!

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2007

Muốn có ứng dụng, phải có lý thuyết

(VietNamNet) - Không có ranh giới thực sự giữa Toán lý thuyết và Toán ứng dụng. Bởi vì, cái hôm nay ta tưởng rất lý thuyết thì ngày mai lại có thể rất ứng dụng. Những nước mà kinh tế phát triển nhất, ứng dụng Toán giỏi nhất cũng chính là những nước mà Toán lý thuyết phát triển nhất.

Xem bài: Toán học vị Toán học hay Toán học vị nhân sinh?



GS Hà Huy Khoái: "Khoa học cơ bản tạo cho xã hội nền tảng chung cao, nhưng rất khó nhìn thấy lợi ích của nó"

Đó là những nhận định của ông Hà Huy Khoái, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, đầu tháng 3.

Lý thuyết cũng là để quay về phục vụ thực tiễn

"Toán học nghiên cứu những vấn đề cao siêu, xa rời thực tế, và rất ít người hiểu được". Ông nghĩ gì về nhận xét này?

Các giải Nobel Kinh tế gần đây, hầu như trong đó chỉ có Toán.

Nhiều người ngạc nhiên khi có những vấn đề Toán học, lúc sinh ra rất trừu tượng, mà lại được sử dụng rất bất ngờ.

Nói cho cùng, Toán học là 1 sản phẩm của thực tiễn. Nên dù anh Toán học ngồi đấy vẽ voi với phát triển nội tại đi nữa... nếu ở mức độ cao, thì sẽ không tách rời thực tiễn. Làm Toán cao thì phải đẹp, mà cái đẹp thì bao giờ cũng phải đi với thực tiễn.

Có khi nào, tồn tại những cái đẹp mà chưa thực tế?

Không, cái đẹp thì không bao giờ vô dụng (cười). Tôi cho rằng, một thứ khoa học mà chưa đi vào được bản chất của sự vật thì chỉ vì nó chưa đủ cao.

Ông Newton có một câu nói rất nổi tiếng "Không có gì gần với thực tiễn hơn là 1 lý thuyết đẹp". Có nghĩa là một lý thuyết cao và sâu sắc đến mức đẹp thì chắc chắn sẽ gần với thực tiễn.

Tôi nghĩ đó hoàn toàn không phải là 1 câu nói suông, mà rất đúng trong thực tế phát triển của khoa học. Những lý thuyết rất cao, rất sâu rồi cuối cùng đều quay về phục vụ cuộc sống.

Ông René Thom, một nhà Toán học Pháp từng đạt giải thưởng Fields, có nói "Những người đi đầu thường không biết là họ đang đi đâu. Lúc mà họ biết... thì không đi được xa".

Toán lý thuyết, chắn chắn sẽ quay về thực tiễn, trừ phi đó là những lý thuyết vớ vẩn.

Lấy gì để xác định được 1 lý thuyết đẹp và 1 lý thuyết vớ vẩn, khi những vấn đề đó vượt quá tầm hiểu biết của đa số dân chúng?

Tiêu chuẩn đầu tiên là nó quay về thực tiễn, chẳng hạn quay về phục vụ Vật lý, Tin học...

Thứ hai, những người làm Toán giỏi thì bao giờ cũng đi không xa luồng chính của sự phát triển.

Tất nhiên để nhận diện cũng khó, nhưng chắc chắn nhận diện được, cũng giống như làm thơ. Một nhà thơ lớn nào đó nói "Tôi không định nghĩa được thế nào là thơ hay, nhưng cứ đưa tôi 1 bài thơ, thế nào tôi cũng nhận ra được".

Có một số tiêu chuẩn để định lượng. Ví dụ, một cô gái đẹp, chắc sẽ được ngắm nhiều. Một công trình hay sẽ được trích dẫn nhiều. Một ca sĩ lớn, sẽ biểu diễn ở những chương trình hoành tráng. Một bài báo tốt sẽ dễ được đăng ở những tạp chí uy tín.

Bàn về sự hữu ích của Toán, có người lấy ví dụ "Các công trình Toán lý thuyết chỉ có 1 số rất ít người hiểu được. Trong khi, nhiều lý thuyết lớn trong các ngành khác, như thuyết tương đối của Einstein, một người không phải dân chuyên ngành (như anh ấy) cũng hiểu được. Sở dĩ như vậy, vì Toán lý thuyết ít tính vị nhân sinh, xa rời thực tế cuộc sống". Ông nghĩ sao về nhận định ấy?

Tôi cho rằng, nhận định này không chính xác.

Không phải vì đa số không hiểu mà suy ra Toán không có tác dụng thực tiễn. Mà, bởi vì trong khoa học cơ bản, những tư tưởng lớn bao giờ cũng phải đi trước.

Thời của Newton và Einstein, thậm chí Archimedes... , các công trình của họ là lý thuyết cao nhất, cũng có mấy ai hiểu họ đâu, nhưng, so với sự phát triển khoa học hiện tại thì bình thường.

Vấn đề là vì các đỉnh của thời đại ngày càng cao hơn. Bây giờ mặt bằng chung cao, ta nhìn thấy được cái đỉnh của thời Newton, Einstein. Còn đỉnh bây giờ cao đến mức, chỉ người ở trên đỉnh mới nhìn thấy. Nhưng 1 thời gian sau này, nhiều người sẽ hiểu, như bây giờ ta nhìn lại Newton vậy.

Ví dụ Edward Witten, nhà Vật lý lớn nhất của thời này, chắc chắn rất ít người biết, dù đó là đỉnh cao bây giờ.

Không nên phân biệt Toán lý thuyết và Toán ứng dụng

Soạn: AM 757563 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các nhà Toán học thế giới gặp gỡ tại một hội nghị Toán quốc tế

Có ý kiến cho rằng, để đánh giá về vai trò của Toán học, nên phân định rõ ràng Toán ứng dụng, phục vụ cho các ngành khác và Toán lý thuyết, chỉ phục vụ cho sự phát triển nội tại của Toán. Ông có đồng tình với cách phân chia này?

Thực ra thì không nên chia chút nào, vì trong Toán rất khó phân biệt đâu là ứng dụng, đâu là lý thuyết. Đó là điều khó nhất. Bởi vì có thứ bây giờ ta tưởng là rất lý thuyết, thì ít lâu sau lại trở thành rất thực tiễn.

Ví dụ điển hình, trong bài trả lời phỏng vấn VietNamNet, anh Trung Hà nói anh ấy không phải người ngoại đạo, rằng ngày xưa anh học Lý thuyết số, là môn Toán cổ điển nhất, không có ứng dụng gì cả.

Phát biểu đó chứng tỏ anh ấy đã là "người ngoại đạo". Vì Toán phát triển quá nhanh.

Thời anh Hà học thì Số học đúng là cái mà người ta tưởng là lý thuyết thuần tuý nhất, không có ý nghĩa gì trong thực tiễn cả. Nhưng, hiện tại đó lại là một trong những ngành đi vào thực tiễn nhanh nhất.

Điển hình là lý thuyết "mật mã khoá công khai", xuất phát hoàn toàn từ một bài toán lý thuyết... mà đến giờ người ta không thể hình dung hết được về ứng dụng của nó.

Một cách đơn giản, ông có thể nói qua để độc giả dễ hình dung về lý thuyết này và các phạm vi ứng dụng của nó?

Mật mã khoá công khai (tên tiếng Anh là Public key) hiểu nôm na là mật mã, nhưng công khai khoá.

Sở dĩ có tên này vì trong thời cổ điển, mật mã chỉ dùng trong những nhóm rất hẹp, ví dụ trong ngoại giao...

Bắt đầu từ một bài toán của Số học, cho đến trước năm 1980, người ta nghĩ rằng nó không hề có ứng dụng gì trong thực tế.

Nhưng từ đầu thập niên 80, bắt đầu xuất hiện ứng dụng hết sức lớn của lý thuyết Số học trong mật mã. Càng hội nhập thì phần ứng dụng đó càng lớn, trong thương mại điện tử, chính phủ điện tử, thanh toán nhà băng đều dùng mật mã khoá công khai.

Hơn nữa, bây giờ trong bảo mật thông tin, người ta không chỉ sử dụng Số học, mà còn dùng những ngành mới nhất của Toán như Hình học đại số, một ngành hết sức lý thuyết.

Đó là những ví dụ theo tôi là hết sức điển hình về việc không có ranh giới thực sự giữa Toán lý thuyết và Toán ứng dụng.

Khi dùng 2 từ này, tức là ông vẫn thừa nhận tồn tại 2 dạng Toán mà người ta gọi bằng 2 cái tên đó?

Cách hiểu đó thậm chí không phải chỉ của những người không làm Toán mà ngay cả những người làm Toán.

Đối với Viện Toán, từ lúc thành lập đến giờ luôn có cân nhắc giữa chuyện ứng dụng và lý thuyết. Và, trong các hội thảo, tôi đã phải vài lần đứng lên thuyết phục mọi người rằng không có gì phân biệt.

Nhưng, chính điều đó đã chứng tỏ rằng có sự phân biệt. Vì nếu không có, thì tôi đã không phải thuyết phục (cười).

Đóng góp lớn nhất của Toán Việt Nam là làm thế giới biết đến

Thưa ông, cơ cấu nhân sự của Viện Toán hiện tại, nếu chiếu theo cách hiểu thông thường, có bao nhiêu người làm ứng dụng và bao nhiêu người làm lý thuyết?

Hiện tại, Viện có 103 người, trong đó có 86 cán bộ nghiên cứu, ngoài ra là các cán bộ hành chính, thư viện...

Thực chất thì tất cả đều làm ứng dụng và tất cả đều làm lý thuyết. Còn, nếu phân loại một cách cơ học, thì tôi nghĩ trong Viện Toán sẽ có khoảng 1/3 sẽ được xếp vào dạng Toán ứng dụng.

Đội ngũ dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ bao nhiêu, thưa ông?

Vài năm gần đây, con số này có tăng lên. Một phần nhờ nguồn bổ sung từ các đại học, chẳng hạn khoa Cử nhân tài năng Toán của ĐHQG Hà Nội.

Tuy nhiên, con số này vẫn ít một cách tương đối.

Ông có con số thống kê những người đang làm Toán ở nước ta hiện tại?

Cả nước, trường nào cũng có khoa Toán. Hiện tại, hội Toán học có khoảng 600-700 hội viên.

Hội Toán học không phải một hội hành chính sự nghiệp như Hội Nhà văn, mà là một hội nghề nghiệp, một tổ chức xã hội, ai làm Toán hay giảng dạy Toán, và có nguyện vọng tham gia đều được chào đón.

Hội thường chỉ tổ chức những hoạt động chung, như Hội nghị Toán học 4 năm 1 lần, thi thoảng tổ chức những trường hè, hội thảo.

Với lực lượng này, trong 30 năm qua, theo ông Toán học đã có những đóng góp gì cho Việt Nam?

Đóng góp lớn nhất là làm cho thế giới biết rằng Việt Nam cũng có Toán học. Trước đây, gần như thế giới không hề có khái niệm gì về nền Toán học của ta.

Điều này quan trọng, bởi vì cũng không phải nhiều ngành khoa học cơ bản của nước ta được thế giới đánh giá là tương đối tốt.

Theo tôi ngành Toán là một trong số ít ngành khoa học của VN mà có thể nói là gần với trình độ phát triển của quốc tế. Tôi nghĩ chỉ có Toán học, Vật lý và 1 số ngành nào đó... được vậy.

Dựa vào đâu ông nói như vậy?

Một số tên tuổi Toán học thế giới mà tôi biết, đánh giá tốt về vị trí của nền Toán học Việt Nam, như GS Laurent Schwartz, từng đoạt giải thưởng Fields hay GS Philip Griffith, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp ở Princeton, Mỹ.

Nhận định này có chút mâu thuẫn với ý kiến của anh Nguyễn Tiến Dũng trong bài viết “Toán học Việt Nam”?

Tôi và anh Dũng cũng thường trao đổi và khi viết bài đó, anh có gửi bản thảo cho tôi.

Phải khẳng định đăng bài viết của anh Dũng là có ích, vì có dịp nhìn bao quát về nhiều vấn đề xung quanh Toán học và khoa học VN... Chỉ có điều, có lẽ anh thiết tha đẩy Toán học VN lên, nên có nhiều nhận định dễ gây tâm trạng bi quan.

Thứ nhất, anh ấy đánh giá qua số lượng các bài báo được đăng ở các tạp chí quốc tế và cho rằng, cả nền Toán học Việt Nam không bằng phân hiệu ở trường của anh ấy. Khi nhìn nhận, tiêu chí "tạp chí lớn" không phải lúc nào cũng thống nhất.

Thứ hai, anh Dũng tự tách bạch hơi sớm. Có nhiều người Việt Nam làm Toán ở nước ngoài vẫn đang thuộc biên chế của Viện Toán, một số người khác "đi đi về về" và vẫn có hoạt động khoa học cộng tác với Việt Nam. Khi đánh giá về Toán học Việt Nam, cũng nên kể thêm họ.

Và như thế thì nền Toán học VN không đến nỗi kém như anh Dũng nói trong bài.

Nhưng, liệu sự kể thêm này có hợp lý khi họ đang cống hiến cho nền khoa học của các nước khác?
Soạn: AM 757567 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Nhiều nhà khoa học trẻ, tài năng của Việt Nam đang làm việc tại các nước tiên tiến (ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ)

Không nên nói là cống hiến cho khoa học của nước ngoài, mà là người Việt Nam cống hiến cho khoa học của thế giới, đó cũng chính là đóng góp cho khoa học VN, nâng uy tín của VN. Ở Nga, bây giờ, khi kể về Toán học, người ta vẫn kể về những người được giải thưởng Fields, mà hiện đang làm tại Pháp và Mỹ. Ông nghĩ gì về nhận định của anh Dũng: người VN làm khoa học ở nước ngoài không phải là "chảy máu", mà là "xuất khẩu" chất xám và điều này có lợi cho VN? Hiển nhiên không thể nói là "xuất khẩu chất xám" được, bản chất của việc xuất khẩu khác. Nhưng để đánh giá về mặt lợi - hại thì hơi khó, phải qua 1 quá trình lâu dài. Năm 1983, Trung Quốc cử đi Mỹ 5.000 NCS và họ không hi vọng những người đó trở về ngay. Chỉ có điều họ biết rằng, sớm hay muộn những người ấy cũng thành những người giỏi và sớm hay muộn họ cũng tìm được cách để những người ấy đóng góp cho đất nước. Tôi hi vọng, sự đóng góp của những nhà khoa học Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ lâu dài hơn. Và, tôi hi vọng 1 lúc nào đó, họ sẽ trở về VN làm việc. Có 1 điều tôi kỳ vọng là hiện tại chúng ta đang nỗ lực xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế. Mô hình như vậy sẽ là động lực để ngày càng có thêm những người VN giỏi về làm việc.

Không có khoa học cơ bản thì nguy cơ lâu dài là rất lớn

Anh Bùi Quang Ngọc, một người học Toán và hiện không làm Toán, cho rằng “Việt Nam chưa cần phát triển Toán lý thuyết”. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Toán học đi từ thực tiễn đi lên. Từ thực tiễn trừu tượng hoá thành những bản chất, đến lúc nhìn vào đó, thậm chí người ta không thấy hình ảnh của thực tiễn ở đấy nữa. Nhưng khi nó quay về thực tiễn thì lại trở thành rất có ích.
Muốn có ứng dụng ở mức cao, phải có Toán lý thuyết ở mức rất cao.
Những nước mà kinh tế phát triển nhất, ứng dụng Toán giỏi nhất như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Đức… thì cũng chính là những nước mà Toán lý thuyết phát triển nhất.

Tức là, theo ông, ta nên có hướng đầu tư để Toán lý thuyết phát triển?

Điều này đặt ra khó khăn cho người làm chính sách. Vì họ bao giờ cũng thích ủng hộ tiền cho những dự án ứng dụng ngay.
Nhưng, nếu chỉ như thế thôi thì hết sức thiển cận. Bởi vì nhiều khi có những ứng dụng hết sức bất ngờ, từ khoa học cơ bản đưa vào, mà ta không thể nào lường trước được.
Tôi nghĩ không chỉ là Toán, mà ngay cả Vật lý, Hoá học, tình hình cũng có thể tương tự. Có nhiều nghiên cứu tưởng rất cơ bản nhưng trên thực tế nó lại đi vào ứng dụng lớn.
Ví dụ, thuyết tương đối của Einstein, ai mà nghĩ nó sẽ là cơ sở cho những ứng dụng trong điện tử.
Có một vấn đề đặt ra, với tình hình hiện tại, liệu ta có nên đi theo hướng thừa hưởng những nghiên cứu lý thuyết của thế giới, để ứng dụng, thay vì đầu tư nghiên cứu?
Toán học, hay nói chung là khoa học cơ bản có những đặc thù riêng. Nếu không nghiên cứu thì không hiểu được. Nếu muốn hiểu được lý thuyết của người ta để áp dụng thì không thể bê nguyên xi.
Nó khác với ứng dụng công nghệ ở chỗ là có thể bỏ tiền ra mua được. Điều này, nhiều người không hiểu.
Khoa học cơ bản tạo cho xã hội nền tảng cơ bản chung cao, để dễ thích ứng với những thay đổi. Mà, bây giờ công nghệ phát triển nhanh khủng khiếp, muốn bắt kịp thì nền tảng khoa học cơ bản phải vững.
Rất khó để nhìn thấy những lợi ích của nó, chẳng hạn, nhiều người có thể đồng tình với anh Trung Hà "làm Toán sẽ phí". Tuy nhiên, nếu không có những người làm Toán, không có khoa học cơ bản... thì nguy cơ về lâu dài là rất lớn.
Nhưng, đa phần những người trẻ làm khoa học cơ bản chọn ở lại xứ người, tức là sự đóng góp trực tiếp cho đất nước là tương đối nhỏ?
Đây là một bài toán khó trong tình hình hiện tại.
Tôi nghĩ lương bổng chưa phải là điều quan trọng nhất. Nhiều nhà khoa học giỏi, mà về nước, với tài năng của họ, làm đề tài, rồi dạy thêm... hoàn toàn có thể sống sung túc. Lý do mà nhiều người chọn ở lại vì họ là những người yêu sự nghiệp của họ.
Với môi trường khoa học trong nước, có thể nhiều người khi về sẽ bị "chết" tài năng, tức là không đủ khả năng để làm những công trình xứng đáng tầm của họ.
Trung Quốc làm điều này rất tốt. Họ có chương trình lấy tên là "100 tài năng", trong đó các nhà khoa học được tạo điều kiện làm việc không thua bất cứ nơi nào trên thế giới cả.
Đã đến lúc Việt Nam nên có chính sách như thế. Đầu tiên là sử dụng những người đang có ở trong nước, đó là cách tốt nhất để, trước hết là giữ chân những người tài, thông qua đó, cũng là tạo niềm tin cho những người ở nước ngoài.

Giới trẻ nên thay đổi và dám thay đổi

Phát biểu của anh Trung Hà về Toán học đã gây nên bất bình lớn trong cộng đồng những người làm Toán, đặc biệt là ở Viện Toán. Là một người trong nghề, ông có cảm giác gì?

Tôi nghĩ việc phát biểu của anh Hà cũng chứng tỏ anh ấy vẫn giữ tính cách điển hình của dân học Toán.

Nói chung, đa số những người dân Toán đều cực đoan và thích nói những điều độc đáo. Và, nhiều khi hi sinh nhiều thứ khác vì ý thích được trình bày những điều độc đáo.

Ông là dân Toán, nhưng hình như ông không phải là người cực đoan?

Tôi cũng cực đoan, theo kiểu không coi bất cứ điều gì là tuyệt đối (cười).

Một chút về cá nhân, được biết, họ Hà nổi tiếng nhiều đời làm Toán. Ông đến với Toán học như thế nào?

Họ Hà có nhiều nhánh Hà Văn, Hà Học, Hà Huy. Nói chung, họ của tôi là họ nghèo, đời nào cũng chủ yếu làm nghề học.

Tôi tốt nghiệp trường trung học Huỳnh Thúc Kháng, Vinh năm 1963, rồi vào ĐHTH khoa Toán, không được đi học nước ngoài vì chưa vào Đoàn. Tốt nghiệp năm 1967, tôi về Viện Toán (khi đó là phòng Toán trực thuộc Ủy ban khoa học nhà nước) và ngồi đó cho đến tận bây giờ.

Trong gần 40 năm làm Toán, đã bao giờ ông có ý định thử sức với một ngành nghề khác?
Soạn: AM 757575 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Giới trẻ nên thay đổi và dám thay đổi

Tôi là sản phẩm đào tạo của một thời kỳ mà con người không được và không có thói quen chủ động trong việc chọn hướng đi của cuộc đời mình. Tôi bị giáo dục theo hướng đó, và đúng là lười, là ngại thay đổi, dù biết rằng, có thể mình đã bỏ mất 1 vài cơ hội nào đó, mà mình không tự biết.

Một cách thẳng thắn, ông có bao giờ hối tiếc về điều này. Và, ông nhìn nhận, điều này là tốt hay không?

Với tôi, Viện Toán là nơi làm việc rất tốt. Riêng việc không dám và ngại thay đổi, hiển nhiên là không tốt rồi.

Con người nên thay đổi và dám thay đổi. Phải phiêu lưu một chút. Và, những người ít bị trói buộc bởi các hệ tư tưởng đã được "đóng đinh", đã được công nhận... là những người dễ thích ứng và thành công. Những nhân tố ấy thường mang lại động lực cho sự phát triển xã hội.

Ở Mỹ, theo tôi biết, họ giáo dục học sinh cách nghĩ: nếu trong vòng 5 năm, mà bạn không thay đổi, tức là bạn đã bỏ qua 1 số cơ hội nào đó.

Ở Việt Nam, ít có thói quen thay đổi. Do tâm lý thích an toàn.

Việt Nam chưa có khoa học xã hội (?)

Vẫn anh Ngọc, cho rằng, chúng ta đã sai lầm khi một thời dồn hết người giỏi vào học Toán. Ông có chia sẻ cùng suy nghĩ này?

Nói chung, để nhìn lại lịch sử và nhận định đúng - sai là rất khó... trừ những trường hợp hiển nhiên. Nhưng "không nên dồn hết người giỏi cho Toán" là hoàn toàn đúng.

Thời đó là thời bao cấp, người ta không có ý thức lắm và không có thói quen tự quyết định tương lai cho mình.

Nếu để mọi người có thói quen tự quyết định tương lai, nghề nghiệp đúng với sở thích của mình thì không cần ai hướng dẫn cả, mà người giỏi sẽ được phân phối cho đều trong các ngành của xã hội.

Nước Mỹ, theo tôi là 1 nước mà cơ chế điều chuyển, sử dụng người tốt, nên họ phân phối rất tốt. Ví dụ, 1 người có thiên hướng về chính trị thì họ sẽ học Luật, người có thiên hướng về khoa học cơ bản, sẽ chọn các ngành đó...

Khi con người có thói quen lựa chọn và được tự lựa chọn thì không theo bất kỳ sức ép gì, thì xã hội sẽ rất lành mạnh và phân phối 1 cách tương đối đều.

Chứ như bây giờ, theo tôi, nước ta vẫn chưa đạt được đến điều ấy, mà trẻ con bây giờ đi học vẫn bị thiên lệch.

Một sự thiên lệch lớn trong xu hướng chọn nghề của giới trẻ VN là tâm lý "coi thường các khối ngành xã hội". Và, có một thực tế là học sinh có trí tuệ tốt thường "nói không" với các ngành này. Ông nhìn nhận hiện tượng này như thế nào?

Thực chất, ở Việt Nam chưa có khoa học xã hội.

Xin lỗi ông, chưa phát triển hay chưa có?

Chính xác là chưa có. Khoa học, bản thân nó, theo đúng nghĩa phải có tranh cãi, sáng tạo, phải chấp nhận những sự khác nhau, phải tồn tại những trường phái khác nhau.

Nhưng, ở Việt Nam, chúng ta chỉ cho phép tranh luận trên một khung tư tưởng đóng chặt, đó là chủ nghĩa Mác. Và điều đó hạn chế rất nhiều đến sự phát triển của khoa học xã hội.

Cho nên, nó cũng tác động đến tâm lý chọn nghề của các bạn trẻ.

Một tâm lý phổ biến khác của người Việt Nam vẫn là coi trọng bằng cấp. Thực tế, nhiều khi việc học cao đồng nghĩa với việc hi sinh những cơ hội khác nào đó, có thể phù hợp hơn.

Điều đó cũng dễ hiểu. Việt Nam chịu ảnh hưởng của hệ thống khoa cử lâu đời. Trong xã hội xưa, con đường tiến thân duy nhất của con người là học.

Tuy nhiên, xã hội bây giờ, mở rộng hơn nhiều và mở rộn con đường đi chứ không chỉ có học hành thi cử.

Tôi gặp nhiều ví dụ về sự thành công như thế này.

Tôi biết một cậu, con của ông Nguyễn Khắc Phi, cháu ông Nguyễn Khắc Viện... đã không đỗ đại học trong năm thi đầu. Đây là niềm thất vọng rất lớn cho một gia đình có truyền thống học hành như thế.

Nhưng, anh ấy đã không cố gắng để đi tiếp con đường khoa cử, mà dấn thân vào một lựa chọn khác và đã đi đúng hướng. Và hiện tại anh là một chủ doanh nghiệp thành đạt.

Theo ông, làm sao để chúng ta khuyến khích, một cách thực sự, những suy nghĩ như thế này?

Do cách đánh giá học sinh, hay rộng ra là đánh giá con người ở ta còn phiến diện. Một người mà có khả năng về cái gì đó, thì tất nhiên là họ giỏi rồi.

Thời ở Nga, tôi thấy người ta đánh giá học trò không giống của ta. Ở ta, em nào học giỏi hay được nhắc đến. Còn họ, tuyên dương em A giỏi vẽ, em B giỏi nhảy cao... tức là họ tôn trọng tất cả mọi khía cạnh hoạt động của con người.

Chúng ta cần tuyên truyền và sử dụng nhiều hơn cách đánh giá này. Như thế cũng là cách xây dựng tâm lý linh hoạt trong cách nhìn nhận, chọn nghề...

Cảm ơn ông.

VN: Cần nhà khoa học toán hơn nhà toán học

(VietNamNet) - "Thế mạnh của toán học VN hiện nay là một chiếc cầu lí tưởng để chúng ta chuyển biến toán học từ một công cụ thành một khoa học", từ Australia, PGS Nguyễn Văn Tuấn đề xuất ý kiến. Dưới đây là bài viết của PGS.

Những tranh luận về chức năng của Toán học đã từng kịch liệt ở phương Tây cách đây khoảng 30 năm

Những thảo luận chung quanh chức năng của toán học trong phát triển khoa học và kinh tế gần đây thật thú vị và đáng quan tâm.

Tiêu biểu cho quan điểm “toán học vị toán học” có lẽ là phát biểu “mạnh” của một cựu SV toán:Đa phần những vấn đề mà các nhà Toán học nghiên cứu, là do họ tự đặt ra, tự thấy rằng nó rất có ích, rồi tự đi tìm lời giải và cũng chỉ có họ, hoặc những người theo đuổi Toán ở tầm của họ mới hiểu được. […]Chúng tôi còn dùng nhiều từ "trần trụi" hơn nhiều: chẳng hạn thủ dâm tư tưởng (cười to). Vô nghĩa! Ông này Tiến sỹ, anh kia Tiến sỹ... toàn giải quyết vấn đề vô nghĩa” . Nhưng cũng có người khẳng định rằng “Toán học là một sản phẩm của thực tiễn. Nên dù anh Toán học ngồi đấy vẽ voi với phát triển nội tại đi nữa... nếu ở mức độ cao, thì sẽ không tách rời thực tiễn. Làm Toán cao thì phải đẹp, mà cái đẹp thì bao giờ cũng phải đi với thực tiễn” .

Thật ra, cả hai quan điểm đều có phần đúng và không phải là mới. Khoảng 30 năm trước, ở các nước Tây phương, trước tình trạng cạnh tranh quyết liệt giữa các bộ môn khoa học để tìm nguồn tài trợ cho nghiên cứu, vấn đề chức năng của toán học đã từng được đặt ra và tranh luận nhiều.

Theo một nghiên cứu xã hội ở Nhật về mối tương tác của giới toán học và khoa học, người ta phát hiện 3 nhóm rõ rệt: một nhóm chỉ làm toán thuần túy (pure mathematics) và không muốn dính dáng gì đến ứng dụng thực tế; một nhóm thì ứng dụng toán vào các vấn đề liên quan đến kĩ nghệ và kĩ thuật; và một nhóm gồm các nhà khoa học thực nghiệm (như y học, sinh học, nông nghiệp, xã hội học, v.v…) thiếu khả năng ứng dụng các mô hình toán và thống kê vào việc thiết kế và phân tích nghiên cứu. Kết quả của cuộc điều tra đã làm tiền đề cho việc cải cách hoạt động ngành toán và ứng dụng toán học vào các vấn đề thực tiễn của khoa học. Tình trạng của Nhật 30 năm về trước đang là kinh nghiệm ở nước ta.

Toán học rất cần thiết …

Toán học rất cần thiết cho khoa học. Toán học chẳng những cung cấp cho khoa học một phương tiện, mà còn là một cách suy nghĩ về hiện tượng tự nhiên. Những ai làm trong di truyền học đều biết đến sự đóng góp vĩ đại của Ronald Fisher, một nhà thống kê học người Anh, người từng đề xuất những ý tưởng về gen dựa vào lí luận toán học từ đầu thế kỉ 20, tức trước khi người ta biết đến thực thể gen cả 50 năm!

Leonardo da Vinci từng nói một câu chí lí: “No human investigation can be called real science if it can not be demonstrated mathematically” (tạm dịch: không có một nghiên cứu nào có thể xem là khoa học thật sự nếu không được chứng minh một cách toán học).

Mà quả vậy: mọi ngành khoa học, từ xã hội học đến y khoa, từ kĩ thuật đến sinh vật học, từ kinh tế đến nghệ thuật đều ít nhiều chịu ảnh hưởng, hay trực tiếp dùng các khái niệm toán học để làm cơ sở cho nghiên cứu. Trong sinh học phân tử, lí thuyết nhóm (group theory) làm nền tảng cho phân tích cấu trúc phân tử; trong vật lí phân tích Fourier và lí thuyết đại số Lie (Lie algebra) được ứng dụng để tìm mối liên hệ giữa vật lí cổ điển và vật lí lương tử; trong di truyền học, lí thuyết xác suất được ứng dụng rất sâu rộng ước tính khoảng di truyền và khám phá gen; vân vân.

Có thể nói trong bất cứ lĩnh vực nghiên cứu khoa học nào cũng có sự đóng góp của toán học. Ngày nay, một công trình nghiên cứu y khoa hay sinh học mà không có phần Statistical method” hay “Phương pháp Thống kê” thì công trình đó không được xem là “khoa học”.

Khi ứng dụng trong các môi trường phức tạp như sinh học hay xã hội học với nhiều nguyên nhân và hậu quả, toán học là một phương tiện rất hữu hiệu để mô tả và phân tích hiện tượng. Cách đây vài thế kỉ, Galileo từng tiên đoán rằng “Cuốn sách tự nhiên được viết bằng ngôn ngữ toán”. Lời tiên đoán của Galileo đang thành sự thật: cuộc cách mạng sinh học dưới tiếp tố ngữ “-omics” (như genomics, proteomics, v.v…) đã “dâng” cho toán học một cơ hội tuyệt vời để chứng minh sự hữu dụng của mình.

Hãy tưởng tượng một nghiên cứu (ngay hôm nay, không phải tương lai) với một ngàn bệnh nhân, và mỗi bệnh nhân, các nhà nghiên cứu đo lường độ kích hoạt của 100.000 gen cùng một lúc, và muốn biết gen nào ảnh hưởng đến bệnh, và nếu không có toán, thống kê học, hay máy tính để xây dựng mô hình thì công trình nghiên cứu đó chỉ là một đống số liệu vô nghĩa, vô hồn, và vô dụng.

Nhà toán học vẫn chưa biết … nói

Các nhà toán học tham gia hội nghị về toán năm 2005

Mô hình toán học có ích phải là mô hình mô tả được định luật tự nhiên. Hoạt động khoa học bao gồm việc thu thập và phân tích thông tin từ thế giới chung quanh, và phát triển thành tri thức khoa học dưới dạng các định luật và giả thiết. Toán học có thể giúp cho nhà khoa học thẩm định mức độ ảnh hưởng của những yếu tố trong định luật đó.

Thành ra, một mô hình toán học chỉ mang tính thiết thực nếu nó ăn khớp với kết quả của thí nghiệm, và tốt hơn nữa, tiên đoán những định luật chưa ai biết trước đó. Chỉ khi nào mô hình toán học phù hợp với thực tế thì mô hình đó mới có giá trị thực tiễn; nếu không thì mô hình toán học vẫn chỉ là trò chơi con số và kí hiệu không hơn không kém.

Hơn một thế kỉ trước đây, một nhà toán học người Pháp, Pierre Louis, phát triển một phương pháp mà ông gọi là “Phương pháp số học” (Numerical Method) dùng để đánh giá hiệu quả của các thuật chữa trị trong y khoa lâm sàng.

Tuy nhiên, ông bị nhiều bác sĩ nổi danh thời đó chống đối dữ dội. Một trong những người chống đối là Claude Bernard, cha đẻ của ngành y khoa thực nghiệm, tuyên bố rằng: “Các nhà toán học trung bình hóa nhiều quá, và lí giải các hiện tượng giống như những gì họ xây dựng trong trí óc họ, mà không chịu xây dựng mô hình hiện tượng theo qui luật của tự nhiên.”

Cho đến nay, câu nói đó vẫn còn nguyên ý nghĩa của nó. Kinh nghiệm tôi cho thấy rất nhiều nhà toán học vẫn còn rất xa rời với thực tế khoa học.

Cách đây 6 năm tôi có dịp cộng tác với một nhà toán học trong một công trình nghiên cứu y khoa nhằm tiên đoán khả năng mắc bệnh đái đường ở phụ nữ sau thời kì mãn kinh.

Sau một gần 2 tháng phân tích số liệu, nhà toán học gặp tôi và hân hoan báo cáo rằng ông đã tìm ra một mô hình tiên đoán khả năng mắc bệnh đái đường chính xác đến 90%. Ông trình bày những phương trình với những kí hiệu vừa rắc rối, vừa khó theo dõi, và những thông số được ước tính từ số liệu thực tế cho tôi xem rất ấn tượng.

Nhưng khi được hỏi những kí hiệu này có nghĩa gì thì ông tỏ ra hết sức lúng túng, không giải thích được một cách cụ thể. Nói cách khác, nhà toán học vẫn chưa biết … nói. Điều quan trọng là mô hình này cho thấy nồng độ estrogen tăng theo thời gian sau mãn kinh! Đó là một kết quả hoàn toàn đi ngược lại với thực tế sinh học. Nói cách khác, dù mô hình của nhà toán học có vẻ rất ấn tượng về độ chính xác, nhưng đó là một mô hình chẳng có ăn nhập gì với qui luật sinh học, và do đó, hoàn toàn vô ý nghĩa trong thực tế lâm sàng. Cuộc hợp tác thất bại.

Xin nhấn mạnh một lần nữa: toán học không thể nào trở thành một bộ môn khoa học nếu không theo sát với thực tế.

Để có thể giúp ích cho khoa học, nhà toán học phải biết mình nói cái gì, phải quan tâm và chịu trách nhiệm những gì mình phát biểu là sự thật hay không, tức là mô hình toán học phải nhất quán với qui luật của tự nhiên.

Nếu nhà toán học muốn trở thành một nhà khoa học toán thì họ phải làm quen với các qui trình của khoa học thực nghiệm và nghiên cứu khoa học, phải tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học, phải hiểu những khái niệm căn bản về khoa học thực nghiệm, và biết diễn dịch những mô hình và thông số toán học có ý nghĩa gì, những biến số đo lường phản ánh cái gì trong thế giới tự nhiên. Nhà khoa học toán, do đó, không chỉ là người đơn thuần làm phân tích dữ liệu, mà phải là một nhà khoa học, một nhà suy nghĩ (“thinker”) về nghiên cứu khoa học.

Chuyển toán học từ một công cụ sang một khoa học

Mặc dù trên thế giới, toán học đã được ứng dụng một cách rộng rãi trong mọi hoạt động khoa học trong suốt một thế kỉ qua, thì ở nước ta giới làm toán vẫn chưa thật sự “dấn thân” vào khoa học thực nghiệm. Có thể ghé qua trang nhà của Viện Toán và dạo qua một vòng các bài báo và công trình nghiên cứu của Viện, có thể thấy phần lớn, nếu không nói là tất cả, các nghiên cứu ở đây chủ yếu tập trung vào các vấn đề toán học thuần túy.

Ở bình diện quốc gia, các nghiên cứu toán học ở nước ta, tuy rất đáng khâm phục trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng phải thành thật mà nói các nghiên cứu đó cũng không có ảnh hưởng gì lớn trên trường quốc tế. Tác giả Phạm Duy Hiển đã làm một phân tích hệ số trích dẫn (citation index), và kết quả cho thấy, số lần trích dẫn các bài báo toán học từ Việt Nam tính trung bình chỉ 1 đến 2 lần (kể cả tác giả tự trích dẫn bài báo của mình!) Nói cách khác, phần lớn những nghiên cứu toán học ở nước ta rất ít ai quan tâm.

Toán học thuần túy ở nước ta còn khiêm tốn như thế, nhưng toán học ứng dụng còn khiêm tốn hơn nữa.

Xin lấy một ví dụ cụ thể: ngành thống kê học đã phát triển rất mạnh và nhanh trên thế giới, nhưng ở nước ta thì hầu như chưa có ngành thống kê học. Trên thế giới hầu như bất cứ ĐH nào cũng có bộ môn thống kê học độc lập với bộ môn toán, nhưng chưa có trường ĐH nào ở nước ta có bộ môn này! Thành ra, trong khi giới toán học nước ta bàn những vấn đề toán học loại “trên mây”, thì những vấn đề thiết thực nhất lại không giải quyết được mà phải tùy thuộc vào chuyên gia từ nước ngoài.

Trong khi nước ta có một viện toán học bề thế và tập trung nghiên cứu những vấn đề trừu tượng, thì những môn học thiết thực nhất và căn bản nhất về thống kê ứng dụng lại nhờ các chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy ngắn hạn! Mỗi khi SV cần học môn thống kê sinh học hay thống kê lâm sàng, các cơ quan tài trợ quốc tế phải gửi họ phải đi học ở…Thái Lan!

Tôi đã từng nghe một số người làm toán xem các vấn đề trong y khoa và sinh học là quá sơ đẳng để họ nhúng tay vào. Nhưng tôi có thể khẳng định, đó là một quan điểm cực kì sai lầm và cực kì ấu trĩ. Thực tế, y khoa và sinh học đặt ra rất nhiều vấn đề đầy thách thức cho toán học và đòi hỏi nhà toán học không chỉ làm toán giỏi mà còn phải là một nhà khoa học có suy nghĩ sâu rộng.

Thành ra, phải thành thật mà nói, giới toán học VN chưa có cống hiến gì đáng kể cho phát triển khoa học thực nghiệm ở nước ta. So với các bộ môn khoa học khác, 2 ngành công nghệ cần đến kĩ năng của toán học là công nghệ sinh học và công nghệ thông tin ở nước ta hiện nay đang đứng cuối bảng. Số lượng công trình nghiên cứu và bài báo trên các tập san khoa học quốc tế từ hai ngành (được xem là) mũi nhọn này chỉ đếm đầu ngón tay (chưa đến 10 bài báo trong năm qua).

Nhưng tình trạng đó đặt ra cơ hội lí tưởng cho ngành toán học VN. Trong đà phát triển nhanh chóng của công nghệ sinh học, các ĐH trên thế giới đang có định hướng đào tạo một thế hệ nhà khoa học mới được trang bị kĩ năng từ hai ngành sinh học và toán học.

Ở nước ta, để phát triển khoa học nói chung và công nghệ sinh học nói riêng, theo tôi, cần một đội ngũ nhà khoa học toán (mathematical scientists) hơn là cần một đội ngũ nhà toán học (mathematicians). Và, thế mạnh của toán học VN hiện nay là một chiếc cầu lí tưởng để chúng ta chuyển biến toán học từ một công cụ thành một khoa học thực sự có ích cho công cuộc hiện đại hóa của đất nước.

  • Nguyễn Văn Tuấn (Chuyên gia nghiên cứu y khoa cao cấp Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Australia; PGS, trường y, ĐH New South Wales, Australia)

Đóng góp của người Việt trong Thống Kê

Những đóng góp quan trọng của người Việt trong khoa học thống kê

Nguyễn Văn Tuấn

Nói đến hai chữ “thống kê” có lẽ nhiều người nghĩ ngay đến những hoạt động mang tính “truyền thống” dưới hình thức như cân, đo, đong, đếm. Ngày xưa ở Âu châu, giới vua chúa, tu sĩ và các gia đình hoàng tộc sử dụng thống kê như là một công cụ quản lý tài sản, đất đai, nhân sự và dân số. Trong xã hội hiện đại, chính quyền cũng sử dụng thống kê như là một phương tiện quản lý kinh tế - xã hội. Bất cứ chính quyền nào cũng có các cơ quan thống kê chuyên thu thập và xử lý các thông tin về dân số, giáo dục, tình hình phát triển kinh tế, v.v… Nhà nước dựa vào những thông tin đó để vạch ra chính sách. Không có thông tin thống kê, nhà nước như người mù và điếc. Chính vì thế mà Lenin từng ví von rằng thống kê là tai, là mắt của nhà nước.

Khoa học thống kê

Nhưng bộ môn thống kê mà tôi muốn bàn ở đây không phải là các hoạt động truyền thống như mô tả trên, mà là khoa học thống kê (statistical science), tức là một bộ môn khoa học thực nghiệm: phát triển giả thiết khoa học, tiến hành thí nghiệm, phân tích dữ liệu, và diễn dịch dữ liệu. Có người thường nghĩ rằng thống kê là một công cụ của khoa học, nhưng tôi nghĩ rằng quan điểm đó không chính xác, vì trong thực tế, nhà thống kê học không chỉ là người đơn thuần làm phân tích dữ liệu, mà là một nhà khoa học, một nhà suy nghĩ (“thinker”) về nghiên cứu khoa học.

Khoa học thống kê đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, một vai trò không thể thiếu được trong bất cứ công trình nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học thực nghiệm như y khoa, sinh học, nông nghiệp, hóa học, và ngay cả xã hội học. Thí nghiệm dựa vào các phương pháp thống kê học có thể cung cấp cho khoa học những câu trả lời khách quan nhất cho những vấn đề khó khăn nhất.

Làm sao chúng ta biết phẫu thuật A có hiệu quả tốt hơn phẫu thuật B? Làm sao chúng ta biết aspirin có thể đem lại lợi ích cho bệnh nhân? Trong số 25 ngàn gen trong cơ thể con người, gen nào có khả năng gây ra ung thư, tiểu đường, loãng xương? Làm sao chúng ta biết một giống lúa mới có sản lượng cao hơn giống lúa cũ? Làm sao chúng ta biết được quá trình học vấn ở cấp phổ thông có ảnh hưởng đến kết quả học tập ở bậc đại học? Tại sao trẻ học sinh tiểu học ở nông thôn hay bỏ học? Làm sao chúng ta biết những đặc tính nào của cà phê được người tiêu thụ ưa chuộng, và có sự khác biệt về sở thích giữa nam và nữ hay không? Một số du khách vào Việt Nam có xu hướng “một đi không trở lại”, vậy yếu tố nào đã làm cho họ có xu hướng đó? Làm sao chúng ta biết người dân ủng hộ chính sách A mà không là chính sách B? Vân vân và vân vân. Đó là những vấn đề mà thống kê học có thể cung cấp câu trả lời khách quan và đáng tin cậy nhất.

Chẳng hạn như vấn đề bệnh teo cơ delta (có khi gọi là bệnh “chim sệ cánh”) mà ngành y tế nước ta đang đương đầu hiện nay. Cho đến nay dù đã xảy ra hơn 2000 trường hợp trên toàn quốc, mà các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân hay các yếu tố nguy cơ nào gây nên bệnh! Chính vì không có dữ liệu trong tay, cho nên có khá nhiều chuyên gia hàng đầu trong ngành đề xuất nhiều yếu tố nguy cơ dựa vào những phát biểu cá nhân và chung chung như “theo ý kiến của tôi”, hay “qua kinh nghiệm 50 năm hành nghề của tôi”, hay “tôi nghĩ rằng”. Nhưng trong khoa học, không có cái gọi là “theo ý kiến của tôi” hay “theo kinh nghiệm của tôi”, vì khoa học dựa vào dữ liệu thực tế được quan sát và đo lường chính xác (hay ít ra là khá chính xác) để phát hiện một yếu tố nguy cơ cho bệnh tật, hay nói chung là để phát biểu một định đề. Và, để có những dữ liệu đó, nhà khoa học phải tiến hành thí nghiệm.

Một thí nghiệm khoa học được bắt đầu bằng một ý tưởng, một giả thiết, và để thử nghiệm giả thiết đó, một qui trình khảo sát phải được tiến hành theo các bước chung như: thiết kế, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu, và diễn dịch ý nghĩa của dữ liệu. Mỗi một bước trong qui trình đó đều có sự cống hiến quan trọng của thống kê học. Những câu hỏi then chốt đặt ra là: phải thiết kế một công trình thí nghiệm như thế nào, cần bao nhiêu bệnh nhân, có cần nhóm đối chứng (tức không bị bệnh) hay không, phương pháp thu thập dữ liệu như thế nào, phải đo lường cái gì, phân tích dữ liệu ra sao, v.v…Đó là “địa hạt” hoạt động của khoa học thống kê.

Những vấn đề trên chẳng những mang tính khoa học, mà còn mang tính đạo đức khoa học. Nếu không giải quyết thỏa đáng, có thể làm cho công trình nghiên cứu trở nên vô dụng và như thế nhà nghiên cứu có tội với bệnh nhân và tình nguyện viên.

Một trong những khía cạnh cực kỳ quan trọng trong nghiên cứu là xác định số lượng đối tượng hay bệnh nhân cần thiết để khảo sát. Một công trình nghiên cứu nếu không có đủ bệnh nhân hay tình nguyện viên, thì dữ liệu thu thập được sẽ không có giá trị khoa học cao. Ngược lại, nếu công trình nghiên cứu tuyển dụng quá nhiều bệnh nhân hơn số cần thiết, chẳng những gây ra phiền hà (có khi nguy hiểm) cho bệnh nhân một cách không cần thiết. Trong cả hai trường hợp, nhà nghiên cứu vi phạm đạo đức khoa học, và trong trường hợp nghiên cứu y khoa, đó là một vi phạm y đức. Do đó, hoạt động của khoa học thống kê không chỉ giới hạn trong các vấn đề khoa học, mà còn bảo vệ một khía cạnh của đạo đức khoa học.

Phân tích thống kê là một khâu quan trọng không thể thiếu được trong các công trình nghiên cứu khoa học, nhất là khoa học thực nghiệm. Một công trình nghiên cứu khoa học, cho dù có tốn kém và quan trọng cỡ nào, nếu không được phân tích đúng phương pháp sẽ không bao giờ có cơ hội được xuất hiện trong các tập san khoa học. Ngày nay, chỉ cần nhìn qua tất cả các tập san nghiên cứu khoa học trên thế giới, hầu như bất cứ bài báo y học nào cũng có phần “Statistical Analysis” (Phân tích thống kê), nơi mà tác giả phải mô tả cẩn thận phương pháp phân tích, tính toán như thế nào, và giải thích ngắn gọn tại sao sử dụng những phương pháp đó để hàm ý “bảo kê” hay tăng trọng lượng khoa học cho những phát biểu trong bài báo. Các tập san y học có uy tín càng cao yêu cầu về phân tích thống kê càng nặng. Không có phần phân tích thống kê, bài báo không thể xem là một “bài báo khoa học”. Không có phân tích thống kê, công trình nghiên cứu chưa được xem là hoàn tất.

Trong khoa học thống kê, có hai trường phái “cạnh tranh” song song với nhau, đó là trường phái tần số (frequentist school) và trường phái Bayes (Bayesian school). Phần lớn các phương pháp thống kê đang sử dụng ngày nay được phát triển từ trường phái tần số, nhưng hiện nay, trường phái Bayes đang trên đà “chinh phục” khoa học bằng một suy nghĩ “mới” về khoa học và suy luận khoa học. Phương pháp thống kê thuộc trường phái tần số thường đơn giản hơn các phương pháp thuộc trường phái Bayes. Có người từng ví von rằng những ai làm thống kê theo trường phái Bayes là những người thiên tài!

Để hiểu sự khác biệt cơ bản giữa hai trường phái này, có lẽ cần phải nói đôi qua vài dòng về triết lý khoa học thống kê bằng một ví dụ về nghiên cứu y khoa. Để biết hai thuật điều trị có hiệu quả giống nhau hay không, nhà nghiên cứu phải thu thập dữ liệu trong hai nhóm bệnh nhân (một nhóm được điều trị bằng phương pháp A, và một nhóm được điều trị bằng phương pháp B). Trường phái tần số đặt câu hỏi rằng “nếu hai thuật điều trị có hiệu quả như nhau, xác suất mà dữ liệu quan sát là bao nhiêu”, nhưng trường phái Bayes hỏi khác: “Với dữ liệu quan sát được, xác suất mà thuật điều trị A có hiệu quả cao hơn thuật điều trị B là bao nhiêu”. Tuy hai cách hỏi thoạt đầu mới đọc qua thì chẳng có gì khác nhau, nhưng suy nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy đó là sự khác biệt mang tính triết lý khoa học và ý nghĩa của nó rất quan trọng. Đối với người bác sĩ (hay nhà khoa học nói chung), suy luận theo trường phái Bayes là rất tự nhiên, rất hợp với thực tế. Trong y khoa lâm sàng, người bác sĩ phải sử dụng kết quả xét nghiệm để phán đoán bệnh nhân mắc hay không mắc ung thư (cũng giống như trong nghiên cứu khoa học, chúng ta phải sử dụng số liệu để suy luận về khả năng của một giả thiết).

Cống hiến của người Việt


Trong những người Việt ở nước ngoài làm khoa học, số nhà khoa học thống kê cũng không nhiều, nếu không muốn nói là “đếm đầu ngón tay”. Và họ cũng là những nhà khoa học “trầm lặng”, bởi vì những công trình nghiên cứu của họ khó có thể trở thành một bản tin, một câu chuyện trên báo chí hay hệ thống truyền thông đại chúng. Phát triển một phương pháp xử lý số liệu, tuy có thể có ảnh hưởng cơ bản đến tất cả các ngành khoa học hàng trăm năm, nhưng khó mà hấp dẫn so với một khám phá về gen liên quan đến bệnh tật.

Tuy số nhà khoa học thống kê gốc Việt trên thế giới không nhiều, nhưng họ có nhiều đóng góp quan trọng (có khi rất quan trọng) cho khoa học thống kê. Trong số những người có những cống hiến quan trọng đó, phải kể đến giáo sư Phạm Gia Thụ tại Đại học Moncton ở Canada (mà Người viễn xứ có một bài viết về ông - "Đất nước đang thời kỳ xây dựng, đoàn kết, tiến lên") và giáo sư Huỳnh Huynh, thuộc Đại học South Carolina (Mỹ). Có lẽ nhiều người Việt Nam ở trong nước, kể cả giới khoa học, ít biết đến hai người này, nhưng trong giới thống kê học, họ là hai nhà khoa học có tiếng và có ảnh hưởng quan trọng. Ông Huỳnh Huynh thuộc trường phái tần số và ông Phạm Gia Thụ thuộc trường phái Bayes.

Như đề cập trong phần trên, trong các nghiên cứu khoa học, việc xác định số lượng đối tượng cần thiết cho công trình nghiên cứu cực kỳ quan trọng, vì nó chẳng những là vấn đề khoa học mà còn là vấn đề đạo đức khoa học. Đóng góp quan trọng của ông Phạm Gia Thụ trong lĩnh vực này xác định số lượng đối tượng nghiên cứu (hay xác định cỡ mẫu – sample size determination) theo lý thuyết của trường phái Bayes có thể nói là cơ bản. Trong một bài báo đăng trên tập san The Statistican năm 1992 (1) giáo sư Thụ đã mở ra một hướng đi cho lĩnh vực này. Tiếp tục công trình năm 1992, ông Thụ còn cho xuất bản một số công trình có giá trị trên các tập san có uy tín cao trong khoa học thống kê như Journal of the Royal Statistical Society (Anh), Statistics, Communications in Statistics-Theory and Methods, Mathematical and Computer Modelling, v.v… Kể từ khi công trình nghiên cứu năm 1992, cho đến nay không một bài báo khoa học nào về xác định cỡ mẫu theo trường phái Bayes mà không nhắc đến bài báo của tác giả “Pham-Gia T” (tức ông Phạm Gia Thụ).

Trong khoa học, có một công trình nghiên cứu chẳng những được nhiều đồng nghiệp trên thế giới tham khảo, mà còn được đồng nghiệp tham gia bình luận, khen ngợi là một vinh dự lớn. Công trình của giáo sư Thụ là một công trình như thế: được tham khảo rất nhiều lần, và được ban biên tập tập san mời đồng nghiệp trên thế giới tham gia bình luận. Cho đến nay, nếu một nhà khoa học nào mới bước vào nghiên cứu về lĩnh vực này mà “quên” không nhắc đến tác giả Pham-Gia thì chắc chắn sẽ bị người bình duyệt nhắc nhở ngay: đề nghị tác giả tham khảo công trình của Pham-Gia! Khi một công trình khoa học về lĩnh vực xác định cỡ mẫu theo trường phái Bayes, ông còn được ban biên tập tập san mời bình luận (2).

Trong nhiều nghiên cứu khoa học, nhà nghiên cứu phải so sánh nhiều nhóm đối tượng, và mỗi nhóm thường được thẩm định (đo lường) nhiều lần. Chẳng hạn như trong nghiên cứu về hiệu quả của hai loại thuốc trong việc điều trị loãng xương, nhà nghiên cứu phải có hai nhóm bệnh nhân, mỗi bệnh nhân sẽ được mời tái khám nhiều lần để nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu. Trong thuật ngữ thống kê, người ta gọi đó là nghiên cứu dạng repeated measure design (thiết kế tái đo lường). Một trong những khó khăn trong việc phân tích các dữ liệu thu thập từ những nghiên cứu này là có nhiều giá trị cho mỗi bệnh nhân. Vào đầu thế kỉ 20, giáo sư Ronald Fisher, nhà thống kê học người Anh và cũng là “cha đẻ” của khoa học thống kê ứng dụng, có đề suất một phương pháp phân tích có tên là phân tích phương sai (analysis of variance) cho các thí nghiệm có nhiều nhóm đối tượng, mà sau này sách giáo khoa gọi là kiểm định F (lấy chữ cái của tên ông Fisher đặt tên cho phương pháp). Nhưng phương pháp của ông Fisher có vấn đề khi ứng dụng vào nghiên cứu tái đo lường vì sự tương quan giữa các giá trị đo lường trong mỗi đối tượng nghiên cứu không được điều chỉnh thỏa đáng. Vấn đề này kéo dài mãi đến năm 1970, đến khi có công trình của ông Huynh và đồng tác giả Feldt. Trong một bài báo chỉ 7 trang rất quan trọng đăng trên tập san số 1 của khoa học thống kê, Journal of the American Statistical Association hay JASA (3), hai ông Huynh và Feldt đã giải quyết vấn đề này bằng cách chỉ ra điều kiện cần thiết để kiểm định F có ý nghĩa thống kê.

Công trình của ông Huynh và Feldt gây một tiếng vang cực kỳ lớn trong khoa học thống kê, đến nỗi bất cứ phần mềm máy tính nào, bất cứ sách giáo khoa nào, bất cứ bài báo nào về phân tích phương sai tái đo lường đều tham khảo bài báo năm 1970 của hai ông. Rất ít công trình nghiên cứu nào trong thống kê học lại có ảnh hưởng sâu rộng như thế, và cái tên Huynh và Feldt nay đã trở thành những cái tên quen thuộc: “The Huynh-Feldt epsilon” hay “Two-factorial Huynh-Feldt test”. Có thể nói không ngoa rằng đó là một trong những bài báo khoa học có ảnh hưởng lớn đến khoa học (chứ không riêng gì khoa học thống kê) trong thế kỉ 20. Bạn đọc có thể gõ “Huynh-Feldt” trên Google sẽ thấy bao nhiêu bài báo nói về phương pháp này!

Đến năm 1976, hai ông Huynh và Feldt lại công bố một công trình nghiên cứu chỉ 13 trang gây thêm tiếng vang trong ngành mà sau này người ta hay nhắc đến với thuật ngữ “The Huynh-Feld correction” (4). Ngoài hai công trình tiêu biểu này, ông Huynh còn có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thẩm định giáo dục bằng phân tích thống kê được công bố trên các tập san số 1 trong ngành tâm lý học và thống kê tâm lý học như Psychometrika, Psychological Bulletin, hay nghiên cứu thống kê giáo dục (Journal of Educational Statistics, Journal of Educational Measurement).


Khoa học thống kê ở Việt Nam


Trong vòng trên dưới 100 năm qua, thống kê học đã nhanh chóng tiến vào tất cả các lĩnh vực nghiên cứu khoa học, và trong quá trình chinh phục, thống kê học tạo nên những bộ môn nghiên cứu mới. Các bộ môn đó có thể kể đến như biometry (sinh trắc học), technometrics (kỹ thuật trắc học), bioinformatics (thông tin học), psychometry (tâm lý trắc học), anthropometry (nhân trắc học), v.v… Thật vậy, khoa học thống kê đã chi phối đến tất cả các bộ môn khoa học, và ảnh hưởng của các nhà thống kê đã, nói theo Maurice Kendall, “lan tràn đến mọi bộ môn khoa học với sự chinh phục nhanh chóng sánh ngang hàng với Attila, Mohammed, và loài bọ Colorado” (“Statisticians have already over-run every branch of science with a rapidity of conquest rivalled by Attila, Mohammed, and the Colorado beetle” (Maurice Kendall, 1942).

Tuy khoa học thống kê đã góp phần tạo nên diện mạo khoa học hiện đại ngày nay, nhưng ở nước ta, khoa học thống kê còn rất kém. Trong khi bất cứ đại học nào ở các nước tiên tiến đều có một bộ môn thống kê học, một bộ môn chuyên cung cấp tư vấn về thống kê học cho các nhà khoa học thực nghiệm, thì ở nước ta, các bộ môn khoa học vẫn còn giới hạn ở khoa toán, và chỉ xoay quanh một vài vấn đề căn bản thống kê.

Sự “lạc hậu” về khoa học thống kê ở nước ta đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến khoa học nước nhà. Vì các bộ môn khoa học thực nghiệm ở nước ta chưa được sự hỗ trợ từ khoa học thống kê, cho nên rất nhiều nghiên cứu khoa học ở nước ta chưa có chất lượng cao, và chưa thể công bố trên các tập san khoa học quốc tế. Người viết bài này biết rất nhiều trường hợp nhiều nghiên cứu từ Việt Nam chỉ vì không được thiết kế đúng phương pháp, hay việc phân tích dữ liệu chưa đúng tiêu chuẩn khoa học nên bị các tập san khoa học từ chối công bố. Hệ quả là sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế còn quá khiêm tốn. Chỉ tính trong ngành y sinh học mà thôi, trong vòng 40 năm qua, số lượng bài báo từ các nhà khoa học ở Việt Nam chỉ trên dưới con số 300. Con số này cực kỳ khiêm tốn nếu so với 5.000 từ Thái Lan hay trên 20.000 từ Singapore.

Như đã đề cập phần trên, một công trình nghiên cứu dù có tốn bao nhiêu tiền, bao nhiêu năm tháng, mà không được thiết kế đúng và không được phân tích đúng phương pháp thì không thể xem là “khoa học”. Muốn thiết kế nghiên cứu đúng và phân tích dữ liệu đúng tiêu chuẩn, cần phải có sự đóng góp của khoa học thống kê và nhà thống kê học. Nhưng Việt Nam thiếu các nhà khoa học thống kê. Tuy nước ta có một viện toán học bề thế và có uy tín trên trường quốc tế, thì những môn học thiết thực nhất và căn bản nhất về thống kê ứng dụng lại nhờ các chuyên gia nước ngoài vào giảng dạy ngắn hạn. Mấy năm gần đây, trong quá trình hội nhập với thế giới, chúng ta phát hiện rằng khoa học nước ta còn kém về thống kê ứng dụng, và các cơ quan tài trợ học bổng phải gửi sinh viên ta đi học ở nước ngoài, kể cả … Thái Lan!

Do đó, để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở nước ta, một chiến lược quan trọng cần đặt ra là phát triển khoa học thống kê trong các trường đại học. Chúng ta cần rất nhiều nhà khoa học thống kê trong bất cứ lĩnh vực nghiên cứu nào. Ở nước ta, để phát triển khoa học nói chung và công nghệ sinh học nói riêng, chúng ta cần một đội ngũ nhà khoa học thống kê hơn là cần một đội ngũ nhà toán học. Người viết bài này tin rằng cùng với thế mạnh của toán học Việt Nam hiện nay, đội ngũ các nhà khoa học thống kê gốc Việt ở nước ngoài có thể và có khả năng đóng góp một phần công sức cho chiến lược phát triển khoa học nước nhà.

Chú thích

(1) T. Pham-Gia and Turkkan. Sample Size Determination in Bayesian Analysis. The Statistician 1992; 41(4), 389-397 - with: Comments by C. Adcock, 399-404.

(2) Pham-Gia T. Sample Size Determination in Bayesian Analysis: a Commentary. The Statistician, JRSS, Series D 1995;44:163-166.

(3) Huynh H, Feldt LS. Conditions under which mean square ratios in repeated measurement designs have exact F distributions. Journal of the American Statistical Association 1970; 65:1582-1589.

(4) Huynh H, Feldt LS. Estimation Box correction for degrees of freedom from sample data in the randomized block and split-plot designs. Journal of Educational Statistics 1976; 1:69-82.

Xin nói thêm rằng người viết bài này chỉ ngưỡng mộ công trình nghiên cứu, nhưng chưa quen biết và chưa bao giờ gặp mặt hai nhà khoa học thống kê đề cập trong bài viết.

- Nguyễn Văn Tuấn (Australia)